Trí tuệ nhân tạo (AI) là sự mô phỏng những suy nghĩ, cư xử, khả năng… của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu biết cụ thể hơn về AI. 

1. AI là gì?

AI – trí tuệ nhân tạo là một khái niệm có nghĩa rộng của khoa học máy tính có liên quan đến việc xây dựng các cỗ máy thông minh có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi tới trí thông minh của con người. Dù AI là một ngành khoa học liên ngành với nhiều cách tiếp cận, tuy nhiên những tiến bộ trong học máy, đang tạo nên sự thay đổi mô hình trong đa số các lĩnh vực của ngành công nghệ.

Trí tuệ nhân tạo cho phép máy móc mô hình hóa, hoặc thậm chí cải thiện khả năng của tâm trí con người. Và từ sự phát triển của ô tô tự lái cho đến sự phổ biến của các trợ lý thông minh, AI đang ngày càng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày — và là ngành mà các công ty trong nhiều lĩnh vực đang muốn đầu tư vào.

AI là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm nhiều ngành khác nhau, như khoa học máy tính, phân tích và thống kê dữ liệu, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, ngôn ngữ học, khoa học thần kinh, thậm chí cả triết học và tâm lý học. 

Ở cấp độ vận hành dành cho doanh nghiệp, AI là một tập hợp các công nghệ chủ yếu dựa trên học máy và học sâu (machine learning and deep learning), được sử dụng để phân tích dữ liệu, dự đoán và dự báo, phân loại đối tượng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đề xuất, truy xuất dữ liệu thông minh.

2. Cách thức hoạt động của AI

AI hoạt động bằng cách kết hợp lượng lớn dữ liệu với các thuật toán thông minh, xử lý lặp đi lặp lại và nhanh chóng, cho phép phần mềm tự động học hỏi từ các mẫu hoặc tính năng trong dữ liệu. AI là một lĩnh vực nghiên cứu rộng bao gồm nhiều lý thuyết, phương pháp và công nghệ.

Thông thường, các nhà cung cấp chỉ gọi AI đơn giản là một thành phần của công nghệ, ví dụ như học máy. AI yêu cầu nền tảng phần mềm và phần cứng chuyên dụng để viết và huấn luyện các thuật toán máy học. 

Về cơ bản, các hệ thống AI hoạt động bằng cách nhập một lượng lớn dữ liệu được gắn nhãn, phân tích dữ liệu về các mối tương quan và mẫu, ngoài ra còn sử dụng những mẫu này để đưa ra dự đoán về các trạng thái trong tương lai. Theo đó, một chatbot có thể học cách tạo ra sự trao đổi giống như thật với mọi người hay một công cụ nhận dạng hình ảnh có thể học cách xác định và mô tả các đối tượng trong hình ảnh khi xem xét hàng triệu ví dụ. 

Lập trình AI chủ yếu tập trung vào các kỹ năng nhận thức như:

  • Học hỏi: Đây là khía cạnh tập trung vào việc thu thập dữ liệu và tạo nên quy tắc về cách biến đổi dữ liệu đó thành thông tin. Các quy tắc, được gọi là thuật toán, sẽ mang đến cho các thiết bị máy tính hướng dẫn từng bước về cách hoàn thành một tác vụ cụ thể.
  • Lý luận: Tập trung vào việc chọn thuật toán phù hợp để có được kết quả mong muốn.
  • Tự điều chỉnh: Được thiết kế để thường xuyên tinh chỉnh các thuật toán, qua đó đảm bảo mang lại kết quả chính xác nhất có thể.
  • Sáng tạo: Khía cạnh này dùng mạng thần kinh, hệ thống dựa trên quy tắc, phương pháp thống kê và các kỹ thuật khác để tạo ra văn bản mới, hình ảnh mới, âm nhạc mới, ý tưởng mới…

3. Ưu, nhược điểm của AI

Dưới đây là một số ưu điểm nổi bật của AI:

  • Định hướng chi tiết: AI được chứng minh là có khả năng chẩn đoán một số bệnh ung thư tốt hơn bác sĩ
  • Giúp tiết kiệm thời gian đối với những công việc nặng về dữ liệu: AI được dùng rộng rãi trong những ngành dùng nhiều dữ liệu như chứng khoán và ngân hàng, bảo hiểm và dược phẩm vì nó có thể giảm thời gian phân tích các tập dữ liệu lớn. Chẳng hạn như các dịch vụ tài chính vẫn luôn dùng AI để xử lý các đơn xin vay và phát hiện gian lận.
  • Tăng năng suất, giúp tiết kiệm sức lao động
  • Mang lại kết quả nhất quán: Các công cụ dịch thuật AI mang lại mức độ nhất quán cao, đem đến cho các doanh nghiệp nhỏ khả năng tiếp cận khách hàng tốt
  • Có thể cải thiện trải nghiệm hài lòng của khách hàng: Bởi AI có thể cá nhân hóa nội dung, tin nhắn, đề xuất, quảng cáo và trang web cho từng khách hàng
  • Luôn hỗ trợ sẵn sàng: Các chương trình AI không cần ngủ nghỉ, và có thể cung cấp dịch vụ 24/7

Nhược điểm của AI:

  • Đắt đỏ
  • Đòi hỏi chuyên môn cao về kỹ thuật
  • Nguồn cung nhân sự có trình độ liên quan đến AI còn hạn chế
  • Thiết khả năng khái quát hóa từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác
  • Làm tăng tỉ lệ thất nghiệp vì có thể loại bỏ công việc của con người

4. Các loại AI

AI có thể được phân loại thành 4 loại như sau:

AI phản ứng (Reactive Machine)

Loại AI này sử dụng thuật toán để tối ưu hóa kết quả đầu ra dựa trên một tập hợp các yếu tố đầu vào. Nó có thể phân tích được hành động của bản thân và đối thủ.  Ví dụ, AI chơi cờ vua là hệ thống phản ứng giúp tối ưu hóa chiến lược tốt nhất để giành chiến thắng trong trò chơi. AI phản ứng có xu hướng khá tĩnh, không thể học hoặc thích ứng với các tình huống mới. Do đó, nó sẽ tạo ra cùng một đầu ra với các đầu vào giống hệt nhau.

AI với bộ nhớ hạn chế

Công nghệ AI này có thể thích ứng với trải nghiệm trong quá khứ hoặc tự cập nhật dựa trên các quan sát hoặc dữ liệu mới. 

Lý thuyết trí tuệ nhân tạo (Theory of mind)

Công nghệ AI này có thể thích ứng hoàn toàn và có khả năng học hỏi cũng như lưu giữ những kinh nghiệm trong quá khứ. Những loại AI này bao gồm các bot trò chuyện tiên tiến, có thể đánh lừa người ta tin rằng AI là con người. 

AI tự nhận thức

Như tên của AI này, chúng có thể có tri giác và nhận thức được sự tồn tại của chính chúng. Bên cạnh đó, nó còn có cảm xúc như con người, có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dùng. Thế nhưng, loại AI này vẫn chưa khả thi.

Một cách hữu ích hơn để phân loại các loại trí tuệ nhân tạo là theo những gì máy có thể làm. Tất cả những gì chúng ta đang gọi là trí tuệ nhân tạo đều được coi là trí thông minh “hẹp”, ở chỗ nó chỉ có thể thực hiện các nhóm hành động hẹp dựa trên chương trình và đào tạo của nó. Chẳng hạn, thuật toán AI được sử dụng để phân loại đối tượng sẽ không thể thực hiện xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Google Search là một dạng AI hẹp. 

5. Một số ví dụ về AI

Công nghệ trí tuệ nhân tạo có nhiều dạng, từ chatbot đến ứng dụng điều hướng và thiết bị theo dõi thể dục. Các ví dụ dưới đây sẽ cho thấy AI có nhiều ứng dụng tiềm năng như thế nào.

Bản đồ của Google

Google Maps dùng dữ liệu vị trí từ smartphone, cũng như dữ liệu do người dùng báo cáo về những thứ như công trình xây dựng và tai nạn ô tô, để theo dõi tình trạng lên xuống của lưu lượng giao thông và đánh giá tuyến đường nhanh nhất cho người dùng.

Công cụ trò chuyện ChatGPT

ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo nội dung bằng văn bản ở nhiều định dạng, từ bài tiểu luận đến mã và câu trả lời cho các câu hỏi đơn giản. Được OpenAI ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT được hỗ trợ bởi một mô hình ngôn ngữ lớn cho phép nó mô phỏng chặt chẽ chữ viết của con người.

Các trợ lý thông minh

Các trợ lý thông minh như Siri, Alexa và Cortana dùng mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên hoặc NLP để nhận hướng dẫn từ người dùng, qua đó đặt lời nhắc, tìm kiếm thông tin trực tuyến và điều khiển đèn trong nhà của mọi người. Trong nhiều trường hợp, những trợ lý này được thiết kế để tìm hiểu sở thích của người dùng rồi cải thiện trải nghiệm của họ với các đề xuất tốt hơn và lựa chọn phù hợp hơn.

Bộ lọc Snapchat

Bộ lọc Snapchat dùng thuật toán ML để tìm ra sự khác nhau giữa chủ thể và nền của hình ảnh, theo dõi chuyển động của khuôn mặt và điều chỉnh hình ảnh trên màn hình dựa trên những gì người dùng đang làm.

Ô tô tự lái

Công nghệ ô tô tự lái sử dụng mạng lưới thần kinh để phát hiện các vật thể xung quanh, xác định khoảng cách của chúng với những ô tô khác, xác định tín hiệu giao thông, v.v.

Thiết bị đeo

Các cảm biến và thiết bị đeo được sử dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe cũng là một ví dụ về AI. Nó được dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm lượng đường trong máu, huyết áp và nhịp tim. Nhà phát triển thiết bị này cũng có thể lấy các mẫu từ dữ liệu y tế trước đây của bệnh nhân và sử dụng dữ liệu đó để dự đoán bất kỳ tình trạng sức khỏe nào trong tương lai.

6. Các ứng dụng của AI trong thực tế

Mọi ngành đều có nhu cầu cao về khả năng của AI – bao gồm các hệ thống có thể được sử dụng để tự động hóa, học tập, hỗ trợ pháp lý, thông báo rủi ro và nghiên cứu. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của AI trong thực tế.

AI trong kinh doanh

Các thuật toán về học máy đang được tích hợp vào các nền tảng phân tích và quản trị mối quan hệ khách hàng, qua đó khám phá thông tin về cách phục vụ khách hàng tốt hơn. 

AI trong giáo dục

AI có thể tự động chấm điểm, giúp những người làm giáo dục có nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ khác. Công nghệ này có thể đánh giá sinh viên và thích ứng với nhu cầu của họ, giúp họ làm việc theo tốc độ riêng. Gia sư AI có thể mang tới sự hỗ trợ bổ sung cho sinh viên, đảm bảo họ luôn đi đúng hướng. Công nghệ này cũng có thể thay đổi địa điểm và cách học sinh học, thậm chí có thể thay thế một số giáo viên. 

Như ChatGPT, Bard và các mô hình ngôn ngữ lớn khác đã chứng minh, AI tổng quát có thể giúp các nhà giáo dục soạn bài tập cho khóa học và các tài liệu giảng dạy khác, đồng thời thu hút học sinh theo những cách mới. Sự ra đời của những công cụ này cũng buộc các nhà giáo dục phải suy nghĩ lại về bài tập về nhà và bài kiểm tra của học sinh cũng như sửa đổi các chính sách về đạo văn.

AI trong tài chính

AI trong các ứng dụng tài chính cá nhân có thể thu thập dữ liệu cá nhân và cung cấp lời khuyên tài chính. Hiện nay, phần mềm trí tuệ nhân tạo thực hiện phần lớn giao dịch trên Phố Wall.

AI trong y tế

Các công ty đang áp dụng AI để chẩn đoán y tế tốt hơn và nhanh hơn so với con người. Các ứng dụng AI sử dụng trợ lý sức khỏe ảo trực tuyến và chatbot để hỗ trợ bệnh nhân và khách hàng chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm thông tin y tế, lên lịch hẹn, hiểu quy trình thanh toán và hoàn thành các quy trình hành chính khác.

AI trong giải trí và truyền thông

Ngành kinh doanh giải trí sử dụng các kỹ thuật AI để quảng cáo được nhắm mục tiêu, đề xuất nội dung, phân phối, phát hiện gian lận, tạo kịch bản và làm phim. Các tòa soạn sử dụng AI để tự động hóa các công việc thường ngày, chẳng hạn như nhập và hiệu đính dữ liệu; và để nghiên cứu các chủ đề và hỗ trợ với các tiêu đề.

AI trong sản xuất

Sản xuất đã dẫn đầu trong việc kết hợp robot vào quy trình làm việc. Chẳng hạn như các robot công nghiệp đã từng được lập trình để làm những nhiệm vụ đơn lẻ và tách biệt với con người. Các robot nhỏ hơn, đa nhiệm cộng tác với con người và đảm nhận nhiều phần công việc hơn trong nhà kho, nhà xưởng và các không gian làm việc khác.

AI trong ngân hàng

Các ngân hàng đang sử dụng thành công chatbot để giúp khách hàng của họ biết về các dịch vụ và ưu đãi cũng như để xử lý các giao dịch không cần sự can thiệp của con người. Trợ lý ảo AI được sử dụng để cải thiện và cắt giảm chi phí tuân thủ các quy định của ngân hàng. 

Bài viết trên đây đã cung cấp toàn bộ thông tin cơ bản nhất liên quan đến AI là gì. Hy vọng những kiến thức này sẽ đặc biệt có ích cho bạn khi tìm hiểu về công nghệ này.

Rate this post
Please follow and like us: