Là một loại lãi suất được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cơ bản chỉ áp dụng với đồng nội tệ. Mặc dù người ta thường nghĩ ngay tới các ngân hàng thương mại khi nói về lãi suất cơ bản, nhưng nó còn có mối liên quan và ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường chứng khoán. Vậy lãi suất cơ bản là gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Lãi suất cơ bản là gì?
Lãi suất cơ bản chỉ áp dụng với đồng nội tệ, và là lãi suất được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước có quyền điều chỉnh lãi suất cơ bản. Để quyết định lãi suất kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ dựa vào lãi suất cơ bản.
Dù đã được nhắc tới trong Luật ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/10/1998 nhưng mãi tới ngày 02/08/2000, lãi suất cơ bản mới được công bố chính thức lần đầu theo quyết định số 242/2000/QĐ-NHNN. Lãi suất cơ bản ở thời điểm công bố là 0,75%/ tháng, nghĩa là 9%/năm. Lãi suất này tăng lên 14%/năm vào tháng 6 năm 2008, và đó cũng là mức lãi suất cao nhất từ trước tới nay.
Lãi suất cơ bản hiện được ấn định ở mức 9%, căn cứ theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010
2. Vai trò của lãi suất cơ bản
Lãi suất cơ bản giữ vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế và tài chính của một nước. Theo đó, lãi suất cơ bản có những vai trò như:
- Kiểm soát lạm phát: Khi lãi suất cơ bản tăng, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chùn bước trong việc vay tiền. Bởi vậy, khách hàng cũng sẽ giảm tiêu dùng và đầu tư, qua đó, giảm áp lực lạm phát. Vì vậy mà lãi suất cơ bản được dùng như một công cụ để kiểm soát tình trạng lạm phát
- Định giá các khoản vay và tiền gửi: Loại lãi suất này là cơ sở hay điểm tham chiếu để các đơn vị tổ chức tài chính tính toán lãi suất cho các khoản vay. Ngoài ra, lãi suất cơ bản cũng được dùng khi xảy ra vấn đề tranh chấp về việc trả lãi, hay lãi suất không được thỏa thuận rõ ràng…
- Là động lực cho hoạt động tài chính: Người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng vay tiền nhiều hơn phục vụ đầu tư khi lãi suất thấp, do đó điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động tài chính và kinh tế. Bên cạnh đó, lãi suất cơ sở cũng giúp xác định những khoản bồi thường có liên quan đến rủi ro mà người cho vay đối mặt
3. Ý nghĩa của lãi suất cơ bản
Là công cụ tiền tệ vĩ mô
Nhà nước sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh chính sách tiền tệ để ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng cũng như định hướng hoạt động tín dụng.
Điển hình như Ngân hàng Anh hồi tháng 11/2009 đã công bố mức lãi suất cơ bản thấp nhất là 1.5%/ năm trong suốt quá trình hoạt động 315 năm. Khi đó, đây được coi là biện pháp mạnh mẽ để giảm tỉ lệ thất nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế của Anh.
Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản còn là tín hiệu để nhận biết chính sách tiền tệ mở rộng để thắt chặt kiểm soát lạm phát hay chống suy thoái. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất riêng để phù hợp với hiện trạng của mỗi ngân hàng và nền kinh tế.
Là cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ điều chỉnh lãi suất
Theo quy định của Pháp luật, các tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào lãi suất cơ bản để ấn định lãi suất kinh doanh, có nghĩa là điều chỉnh lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay của tổ chức không được vượt quá 1.5 lần mức lãi suất cơ bản.
Nhờ giới hạn về lãi suất, Chính phủ có thể kiểm soát tình trạng cho vay nặng lãi (tín dụng đen). Ngoài ra, người đi vay cũng có thể dựa vào đó để kiểm tra xem lãi suất mà họ vay có đúng theo pháp luật quy định không.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng căn cứ vào lãi suất cơ bản để điều chỉnh lãi suất tiền gửi (lãi suất huy động). Lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng khi lãi suất cơ bản tăng, và ngược lại. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mình.
Là cơ sở tham chiếu và bồi thường rủi ro
Mức bồi thường khi có tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán được tính theo nguyên tắc: Bên chậm thanh toán phải trả lãi với số tiền chậm trả dựa theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ khi có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, nguyên tắc này sẽ được dùng trong quan hệ vay mượn, mua bán hay nhiều lĩnh vực khác theo quy định.
Pháp luật sẽ không bảo vệ quyền lợi của người cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản nếu có tranh chấp xảy ra. Tiền lãi được tính theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi, số tiền lãi đã trả vượt 150% lãi suất cơ bản được tính trừ vào tiền nợ gốc kể từ thời điểm trả lãi.
Là yếu tố quyết định sự biến động của giá cả chứng khoán
Lãi suất cơ bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường chứng khoán vì nó tác động đến lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Trong trường hợp nhà đầu tư vay tiền của công ty chứng khoán theo hình thức ký quỹ, lãi suất cho vay sẽ tăng theo đà tăng của lãi suất cơ bản. Điều đó gây nên sự gia tăng chi phí mua giữ chứng khoán và nhà đầu tư sẽ gặp bất lợi.
Trong khi đó, nhà đầu tư có thể dùng dịch vụ ký quỹ với mức vay thấp hơn nếu lãi suất cơ bản giảm. Giá chứng khoán tăng khi lượng cầu chứng khoán tăng. Và đó là tín hiệu tích cực với nhà đầu tư.
4. Lãi suất cơ bản có những tác động gì?
Đối với ngân hàng
Lãi suất cơ bản ảnh hưởng tới quyết định về tín dụng và việc cấp cho vay của ngân hàng. Ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi thu hồi khoản vay từ khách hàng nếu lãi suất cơ bản tăng. Bởi vậy, các ngân hàng có thể hạ hạn mức cho vay nhằm giảm rủi ro cũng như đảm bảo đủ tiền trả lãi cho khoản vay cũ. Thế nhưng, các ngân hàng cũng có thể tăng hạn mức cho vay nếu lãi suất cơ bản giảm, nhằm thu hút khách vay tiền.
Quy định về mức lãi suất cơ bản của mỗi ngân hàng đều khác nhau. Bởi vậy, để tăng tính cạnh tranh, một ngân hàng cần tìm hiểu thêm thông tin về lãi suất cơ bản của đối thủ. Một ngân hàng có thể thu hút nhiều tiền gửi hơn từ khách hàng nếu tăng lãi suất cao hơn ngân hàng khác. Thế nhưng, tăng lãi suất đồng nghĩa với việc tăng chi phí vốn, khiến lợi nhuận giảm.
Đối với khách hàng doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất cơ bản nếu là một khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Thế nhưng, thực tế cho thấy mức lãi suất này là yếu tố mang tính quyết định đối với sự gắn bó của doanh nghiệp với nhà băng.
Cụ thể, khi lãi suất cơ bản tăng, Ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay, khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng. Điều này làm sụt giảm lợi nhuận của họ cũng như ảnh hưởng tới khả năng trả nợ.
Trong khi lãi suất cơ bản giảm, các doanh nghiệp có thể vay vốn với chi phí thấp hơn. Và họ có cơ hội đầu tư và mở rộng kinh doanh hiệu quả hơn.
Đối với khách hàng cá nhân
Khi lãi suất cơ bản tăng, ngân hàng có thể tăng lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiền. Nhờ đó, lợi nhuận của những người muốn tiết kiệm tiền qua kênh ngân hàng sẽ tăng lên, tuy nhiên, đối với những người vay tiền, chi phí đi vay của họ sẽ lớn hơn và đây là yếu tố bất lợi cho họ.
Nhìn chung, lãi suất cơ bản được công bố và điều chỉnh bởi Ngân hàng Nhà nước. Loại lãi suất này ảnh hưởng đến cả ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về lãi suất cơ bản cũng như ý nghĩa của nó.