Nghị luận là gì? Văn nghị luận là gì? Bài văn nghị luận có cấu trúc ra sao? Theo dõi thông tin ở bài viết này để trả lời được những câu hỏi trên nhé.

1. Nghị luận là gì?

Nghị luận được định nghĩa là dạng thức hay phương pháp văn bản tồn tại với nội dung phần lớn bàn về một đối tượng, có thể là đời sống, chính trị, xã hội hay một tác phẩm văn học nhằm mang tới những lý lẽ, dẫn chứng có tính thuyết phục cho người đọc.

Bên cạnh đó, nghị luận còn là những lời tâm huyết mà người viết/ người nói muốn truyền tải tới người đọc/ người nghe.

2. Văn nghị luận và đặc điểm của văn nghị luận

Văn nghị luận được hiểu là một dạng văn mà tác giả của bài viết đó chủ yếu sử dụng các lý lẽ và dẫn chứng rồi lập luận những luận điểm để chỉ ra những tư tưởng và quan điểm của họ về một tác phẩm, hay vấn đề nào đó.

Loại văn này nhằm giúp người nghe, người đọc tin tưởng và hiểu để đồng hành với người viết, người nói.

Một bài văn nghị luận luôn có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong đó, luận điểm là những ý kiến thể hiện quan điểm của bài văn. Thông thường, luận điểm được thể hiện bằng một phán đoán có ý nghĩa khẳng định tính chất của khía cạnh nội dung được triển khai, từ đó làm sáng tỏ luận đề. Trong bài văn nghị luận, các luận điểm được trình bày và sắp xếp theo trình tự hợp lý, được triển khai bằng những dẫn chứng, lý lẽ phù hợp.

Thông thường, mỗi bài văn nghị luận sẽ có các luận điểm: luận điểm chính, luận điểm xuất phát, luận điểm khai triển. 

Còn luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng được tác giả đưa ra để làm sáng tỏ luận điểm. Về lập luận, đây là từ để chỉ cách tổ chức và vận dụng dẫn chứng, lí lẽ sao cho luận điểm có sức thuyết phục và nổi bật. Trong lập luận có cách quy nạp, so sánh, phân tích, diễn dịch, tổng hợp để đảm bảo luận điểm hợp lý.

3. Cấu trúc của bài văn nghị luận

Một bài văn nghị luận có bố cục bao gồm luận điểm, luận cứ và lập luận. Cấu trúc cụ thể như sau:

  • Mở bài (đặt vấn đề): Đề cập đến vấn đề, và nêu luận điểm cơ bản
  • Thân bài (giải quyết vấn đề): Triển khai trình bày luận điểm, thuyết phục người nghe bằng cách đưa ra các dẫn chứng và lý lẽ phù hợp
  • Kết bài (kết thúc vấn đề): Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề

Người viết có thể sắp xếp nhiều dàn ý khác nhau, tùy theo vấn đề và đối tượng mà họ cần thuyết phục. Tuy nhiên, cần tuân thủ một số quy tắc nhất định khi sắp xếp:

  • Các luận điểm phải tương đương nhau và cùng có chức năng làm sáng tỏ vấn đề trọng tâm
  • Các ý nhỏ phải làm sáng tỏ cho các ý lớn và trình bày rõ ràng, tránh tình trạng trùng lặp
  • Không phải ý nào cũng cần được trình bày ngang nhau hay phân tích kỹ, có ý chỉ cần nói vừa đủ

4. Các dạng văn nghị luận phổ biến

Nghị luận xã hội

Đây là những bài văn nói về các vấn đề trong xã hội, hiện tượng tích cực tiêu cực hay tư tưởng đạo lý nào đó đang xảy ra. Ngoài ra, nghị luận xã hội còn xoay quanh những vấn đề về môi trường, thiên nhiên…

Trong nghị luận xã hội, có 2 loại chính:

  • Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống: Dạng văn này bàn về sự kiện và hiện tượng có ý nghĩa nhất định trong đời sống, có thể đáng chê hoặc đáng khen

Nội dung của dạng văn nghị luận này cần phải làm sáng tỏ sự việc và hiện tượng, chỉ ra mặt đúng sai cũng như tác động của vấn đề đối với xã hội. Ngoài ra, cũng cần thể hiện thái độ phản đối hay đồng tình…

Hình thức: Cấu trúc bài việc mạch lạc, luận điểm rõ ràng và có những lời nhận xét ngắn gọn, tuy nhiên vẫn phải thể hiện được ý kiến của mình.

  • Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý nào đó: Đây là dạng văn bàn về đạo đức của xã hội, lối sống hay tư tưởng của một số bộ phận trong đời sống hiện nay

Nội dung: Cần thể hiện được các vấn đề về tư tưởng và đại lý, đồng thời phân tích bằng cách chứng minh, đối chiếu và so sánh, qua đó chỉ ra được mặt tốt xấu, đúng sai của vấn đề.

Hình thức: Cấu trúc có 3 phần cụ thể, và đặc biệt có luận điểm chặt chẽ, đúng đắn và rõ ràng, dễ hiểu.

Nghị luận văn học

Đây là dạng văn bình luận về các vấn đề có liên quan đến tác phẩm văn học, trong đó có những yếu tố về tác phẩm và tác giả. Người viết nghị luận văn học thường sẽ trình bày suy nghĩ, cảm xúc của bản thân liên quan tới nội dung của tác phẩm hay bày tỏ sự đồng tình hay không đồng tình của bản thân.

Nghị luận văn học gồm những loại sau:

  • Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ: Người viết sẽ đánh giá và nhận xét về nội dung cũng như tính nghệ thuật của đoạn thơ và bài thơ đó

Nội dung: Cần tập trung phân tích các yếu tố như hoàn cảnh ra đời tác phẩm, giá trị nghệ thuật và nội dung hay tư tưởng để đề cập được những giá trị xác đáng của bài thơ, đoạn thơ.

Hình thức: Bài viết được trình bày dưới bố cục rõ ràng, mạch lạc, với lời văn gợi cảm, thể hiện được sự chân thành trong đó.

  • Nghị luận về tác phẩm văn xuôi: Ở dạng này, người viết sẽ trình bày những đánh giá nhận xét của mình về nhân vật trong tác phẩm

Nội dung: Đưa ra những nhận xét, đánh giá về tác phẩm văn xuôi đó. Tất cả phải dựa trên ý nghĩa cốt truyện, giá trị hiện thực và tính cách thể hiện trong tác phẩm. Người viết phải trình bày luận cứ và lập luận rõ ràng để thuyết phục người đọc về những đánh giá và nhận xét của mình.

Hình thức: Bài viết có bố cục mạch lạc, với lời văn gợi cảm và chính xác.

5. Văn nghị luận có những thao tác lập luận nào?

Tìm hiểu các thao tác nghị luận như sau để biết cách viết bài văn nghị luận tốt hơn.

Thao tác phân tích:

  • Tìm hiểu chức năng biểu hiện của từng chi tiết
  • Liên tưởng, tưởng tượng để có thể mở rộng nội dung ý nghĩa
  • Một số cách phân tích thông thường: phân loại đối tượng, chia nhỏ đối tượng thành các phần, liên hệ, so sánh, đối chiếu hay nêu định nghĩa…

Thao tác giải thích

  • Giải thích căn bản về từ ngữ, nghĩa đen, nghĩa bóng hay các khái niệm khó hiểu
  • Giải thích toàn bộ vấn đề dựa trên cơ sở giải thích trên, chú ý các nghĩa hàm ẩn và nghĩa tường minh

Thao tác bình luận

  • Đề cập đến những nhận định về đối tượng nghị luận 
  • Nhận xét, đánh giá vấn đề: Cần lập trường một cách đúng đắn, và phải có tiêu chí đánh giá

Thao tác chứng minh

  • Nói về lí lẽ
  • Chỉ ra dẫn chứng và đưa ra dẫn chứng: Chứng minh thuyết phục hơn bằng cách phân tích các dẫn chứng đã đưa ra. Ngoài ra, có thể thuyết minh trước rồi mới trích dẫn cũng được

Thao tác so sánh

  • Nhận định về đối tượng nghị luận, tìm đối tượng tương phản hoặc tương đồng hoặc cả 2
  • Đưa ra các điểm giống nhau giữa các đối tượng
  • Chỉ ra điểm khác biệt của các đối tượng dựa vào nội dung cần tìm hiểu
  • Xác định giá trị cụ thể

Thao tác bác bỏ

Có thể thực hiện việc bác bỏ một ý kiến sai nào đó theo nhiều cách khác nhau như bác bỏ lập luận, bác bỏ luận cứ hay bác bỏ luận điểm. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện kết hợp cả 3 cách này.

  • Bác bỏ lập luận: Chỉ ra sự mâu thuẫn, thiếu sự logic trong lập luận của đối phương
  • Bác bỏ luận cứ: Chỉ ra tính chất giả tạo, sai lầm trong dẫn chứng và lý lẽ
  • Bác bỏ luận điểm: Có 2 cách là dùng phép suy luận hoặc dùng thực tế

6. Một số sai lầm dễ mắc phải khi viết văn nghị luận

  • Mở bài lan man, kết bài không trúng

Một bài viết thường được đánh giá cao hay không còn tùy thuộc vào cách bạn viết mở bài và cách bạn dẫn dắt vấn đề ở những phần tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều bạn viết phần mở bài rất lan man, kéo dài tới nửa trang giấy nhưng lại chưa đề cập được điểm mấu chốt của vấn đề. Do đó, bài viết không cô đọng được vấn đề và khiến người chấm không có thiện cảm. 

Để tránh gặp sai lầm này, bạn có thể dẫn dắt mở bài theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn chưa viết chắc tay thì không nên sử dụng kiểu mở bài gián tiếp vì có thể tạo điểm trừ trong mắt người chấm.

Đối với phần kết bài, bạn cần nhìn nhận và tái khẳng định vấn đề, từ đó rút ra bài học. Ngoài ra, không nên phân tích một vấn đề khác ở đây.

  • Nhầm lẫn, không xác định đúng dạng đề

Bạn sẽ có thể bị viết lạc đề và không đúng trọng tâm nếu xác định nhầm các dạng đề. Do đó, bạn cần đọc kỹ đề và xác định từ khóa chính nhằm tránh gặp phải lỗi này. Khi xác định được trọng tâm, hãy bắt đầu lập dàn ý và triển khai theo các luận điểm.

  • Viết lan man, không xúc tích

Một bài văn nghị luận dài cả mấy trang giấy nhưng lan man, không đúng trọng tâm có thể không được điểm cao như bài viết chỉ trong một trang giấy nhưng lại xúc tích và cô đọng. Một bài viết dài rất dễ rơi vào tình trạng bị trùng lặp ý và luận điểm. Theo đó, bài văn có thể bị lủng củng trong câu từ. Do vậy, bạn cần đặc biệt chú ý điều này để không mắc phải, qua đó dành được điểm số tốt hơn đối với bài viết này.

Theo kinh nghiệm của các thầy cô lâu năm, một bài nghị luận xã hội chỉ nên có khoảng 200 chữ là phù hợp. Ngôn từ được sử dụng nên ngắn gọn, cô đọng và xúc tích, tránh trường hợp lan man lặp ý. Khi đó, học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn để làm tiếp bài văn về nghị luận văn học.

Bài viết trên đây đã giải thích nghị luận là gì, bố cục của một bài văn nghị luận cũng như các thao tác lập luận của dạng văn này. Như vậy, bạn đã có thể hiểu hơn về nghị luận và cách để làm bài văn nghị luận tốt hơn. Chúc bạn đạt được điểm số cao trong các bài viết nghị luận của mình. 

Rate this post
Please follow and like us: