tìm hiểu cùng phân tích nhân vật vũ nương của nhà văn nguyễn dữ

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để thấy vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất sáng ngời của những người phụ nữ xưa. Họ là những người nêu cao giá trị đạo đức và phẩm giá, hết lòng vì gia đình, vì chồng vì con nhưng số phận lại trớ trêu đầy oan nghiệt và bất hạnh. Trong nội dung bài viết sau đây, hãy cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu và phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. 

Mở bài 1: Hình tượng người phụ nữ là một hình tượng xuyên suốt trong suốt chiều dài văn học. Từ văn học dân gian

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

(ca dao)

Cho đến văn học viết. Người đọc thường để ý đến nhưng tác phẩm thơ ca mà quên đi bên cạnh thơ ca còn có các sáng tác bằng văn xuôi. Không chỉ có Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mà còn có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Trong tác phẩm ấy, hình ảnh người phụ nữ hiện lên vừa mang vẻ đẹp của sự thủy chung son sắt vừa mang bi kịch đau đớn của cuộc sống.

Mở bài 2: Nguyễn Dữ được biết đến là một trong những tác giả tiêu biểu cho văn học cổ thế kỷ XVI. Ông là người học rộng tài cao và tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” được ông sáng tác đã để lại nhiều giá trị hiện thực cũng như nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm được viết theo thể loại truyền kì và được đánh giá là “áng văn hay của bậc đại gia” hay “thiên cổ tùy bút”. Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm nổi bật trong tập truyện “Truyện kỳ mạn lục” của tác giả. Tác phẩm đã cụ thể hóa phẩm giá và tâm hồn cao đẹp của người phụ nữ xưa, đồng thời đề cập đến bi kịch bất hạnh đầy đau đớn của họ trong xã hội phong kiến. Không những thế, tác phẩm còn đề cao và thể hiện khát vọng cùng mơ ước về hạnh phúc gia đình. Tác giả Nguyễn Dữ đã gửi gắm những điều trên qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. 

Giới thiệu những nét chính về Nguyễn Dữ và tác phẩm

Trước khi tìm hiểu và phân tích nhân vật Vũ Nương, người đọc cần nắm được sơ nét về tác giả cùng tác phẩm. 

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Dữ 

Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ XVI. Đây là giai đoạn nhũng nhiễu. Triều đình nhà Lê đã có dấu hiệu suy thoái. Khi ấy cuộc sống nhân dân vô cùng khó khăn, kêu trời không thấu kêu đất không nghe. Nguyễn Dữ chưa rõ năm sinh năm mất. Xoay quanh Nguyễn Dữ có nhiều dữ kiện còn chưa xác định. 

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương . Ông là con trai của Nguyễn Tường Phiêu. Tương truyền Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy chưa có nhiều dữ kiện về nhân vật lịch sử đặc biệt này nhưng nhìn chung ông chính là người học rộng tài cao có nhiều ước mơ hoài bão. Ông thi cử đỗ đạt làm quan và ra giúp dân giúp nước.

Tìm hiểu “Chuyện người con gái Nam Xương”

Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong Truyền kì mạn lục. Truyền kì mạn lục được biết đến là ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ trong dân gian. Truyền kì mạn lục là một tác phẩm tự sự gồm 20 truyện ngắn được viết bằng chữ Hán. Cuối mỗi chuyện đều có phần lời bình của tác giả. Phần lời bình ấy tạo nên nét riêng cho tác phẩm. Truyền kì mạn lục vừa mang ý nghĩa nhân đạp vừa mang ý nghĩa tố cáo phê phán hiện thực sâu sắc.

Chuyện người con gái Nam Xương nói về cuộc đời bi kịch của Vũ Nương. Nàng cũng như bao nhiêu người phụ nữ trong xã hội phong kiến khác cũng lập gia đình và có một mái ấm gia đình. Những tưởng cuộc sống ấy sẽ hạnh phúc mãi mãi thế nhưng sự đời lắm ngang trái. Chiến tranh nổ ra, chồng nàng phải đi lính. Đó cũng là lúc bi kịch bắt đầu. Phân tích nhân vật Vũ Nương giúp ta thấy được thân phận nhỏ bé nhiều bất hạnh không chỉ của Vũ Nương mà còn biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền nhiều bất công. 

tìm hiểu cùng phân tích nhân vật vũ nương của nhà văn nguyễn dữ
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương 

Tìm hiểu về hoàn cảnh của nàng, phẩm chất tốt đẹp, tấm lòng trinh bạch, số phận bất hạnh, nỗi đau oan khuất cùng ước mơ trở về gia đình là những ý chính khi phân tích nhân vật Vũ Nương của Nguyễn Dữ. 

Hoàn cảnh của nàng Vũ Nương trong tác phẩm 

Phân tích nhân vật Vũ Nương sẽ thấy nàng có tên thật là “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương”. Nguyễn Dữ đã mở đầu tác phẩm của mình bằng những lời giới thiệu trực tiếp rõ ràng về Vũ Nương. Những thông tin về tên tuổi, quê quán được nêu ra ngay từ đầu tác phẩm đã tạo cho người đọc cảm giác tin cậy, tăng độ tin cậy cho câu chuyện. Đây cũng là một thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại. Không chỉ giới thiệu về tên tuổi, quê quán của Vũ Nương, Nguyễn Dữ ngay từ đầu đã khẳng định nàng là một người có “tư dung tốt đẹp”. 

Không chỉ xinh đẹp, Vũ Nương còn là một người đoan trang dịu dàng, luôn sống trong khuôn giáo lễ nghi. Có thể nói khi phân tích nhân vật Vũ Nương sẽ thấy nàng chính là một hình mẫu người phụ nữ trung đại lí tưởng. Chính vì đức hạnh của nàng mà Trương Sinh đã nhờ người làm mối và lấy Vũ Nương làm vợ. Chi tiết ấy vừa làm nổi bật được đức hạnh của Vũ Nương, vừa nâng cao phẩm hạnh sáng ngời của nàng. Bởi nàng được cưới hỏi một cách đàng hoàng tử tế, được trân trọng không vì gia cảnh vẻ ngoài mà chính bởi phẩm chất của nàng.

Vũ Nương là người vợ đẹp người đẹp nết, có tấm lòng trinh bạch 

Dù Trương Sinh là người đàn ông thất học nhưng tính tình cũng rất gia trưởng, đa nghi. Kể từ ngày làm vợ chàng Trương, Vũ Nương vẫn luôn giữ đúng tiết hạnh và làm tròn bổn phận của một người vợ, một nàng dâu “không để gia đình phải lúc nào đến bất hòa”. Cuộc sống hạnh phúc êm ấm ấy lại không kéo dài được bao lâu. Chiến tranh xảy ra, triều đình chiêu mộ binh lính. Trương Sinh tuy giàu có nhưng lại là kẻ thất học nên chàng bắt buộc phải tòng quân đánh giặc. 

Khi tìm hiểu và phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm, ta cần nhớ rằng trong quan niệm phong kiến có hai con đường để lập thân và lập danh. Thứ nhất tài cao học rộng đỗ đạt làm quan giúp dân giúp nước. Thứ hai ra chiến trận cầm giáo bảo vệ biên ải đất nước. Trương Sinh vì thất học nên con đường đầu tiên không thể thành chỉ còn cách thứ hai để làm nên công trạng. Vì vậy, đây có thể xem là cơ hội để Trương Sinh lập công danh. 

Nhưng với Vũ Nương, công danh ấy không quan trọng bằng sự bình yên của chồng. Lời nàng dặn chồng trước lúc chàng ra đi khiến ta không khỏi xúc động “Chàng đi chuyến này, thiếp cũng chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, hay mặc áo gấm trở về quê, chỉ xin ngày chàng về mang theo được hai chữ bình yên, như thế là đủ rồi”. 

Phân tích nhân vật Vũ Nương, ta thấy tấm lòng của nàng vẫn luôn hướng về an nguy của chồng. Tấm lòng ấy không thay đổi dù là khi gia đình ấm êm hạnh phúc hay là khi chàng Trương phải đi lính. Bởi lẽ, nhắc đến chốn chiến trận nơi biên ải xa xôi ai cũng nghĩ đến “một chắc sa trường rằng chữ hạnh” cũng như “cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”. Vì thế mà với Vũ Nương, nguyện vọng duy nhất của nàng là chàng Trương được bình an. 

Đến khi chồng đi ra chiến trận nàng vẫn hết lòng chăm sóc gia đình, mẹ chồng. Nỗi nhớ chồng khôn nguôi nhưng cũng chính vì thế mà nàng hết lòng giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Sau đó ít lâu, nàng đã hạ sinh bé Đản – con trai của Trương Sinh. Nàng vừa một mình làm cha một mình làm mẹ. Thế nhưng mọi việc đều được nàng chu tất lo lắng. 

Có thể thấy, tuy tác giả không miêu tả trực tiếp nhưng ta có thể hiểu được Vũ Nương đã vất vả thế nào khi một mình quán xuyến mọi việc trong gia đình. Tuy vất vả cực nhọc là thế nhưng nàng vẫn chưa bao giờ oán than một lần. Đặc biệt, đối với mẹ chồng, nàng không hề ghét bỏ như người ta thường nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. 

Phân tích nhân vật Vũ Nương, ta thấy rằng nàng hết lòng chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng. Khi mẹ ốm, nàng cũng hết sức lo lắng khôn khéo lựa lời khuyên lơn. Chính tấm lòng của Vũ Nương đã cảm động mẹ chồng. Ta có thể thấy câu nói của mẹ chồng Vũ Nương dành cho nàng “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức giống giòng tươi tốt, rồi con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con như con đã chẳng phụ mẹ”. Câu nói ấy là minh chứng rõ nét và thuyết phục nhất về phẩm chất của Vũ Nương. Mẹ chồng đã dành cho nàng những lời có cánh. Trước khi mất bà không lo lắng cho con trai cũng không oán trách số phận mà nói lời cảm ơn đến nàng dâu của mình. 

Việc đặt lời khen vào mẹ chồng đã tăng thêm tính chân thực và khách quan cho câu chuyện. Vũ Nương không chỉ quan tâm chăm sóc mẹ chồng khi mẹ chồng đau ốm mà khi mẹ chồng mất đi “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Phân tích nhân vật Vũ Nương sẽ thấy tấm lòng ấy của nàng thật khiến ta cảm động.

Bi kịch cuộc đời và nỗi đau oan khuất của Vũ Nương khi chồng trở về

Cuối cùng chiến tranh kết thúc Trương Sinh có thể trở về. Lúc này những tưởng sau bao sóng gió cuối cùng Vũ Nương lại có thể quay lại những tháng ngày hạnh phúc bên chồng bên con như xưa. Nếu chỉ đến đây thì đây là một câu chuyện có hậu không khiến người đọc phải xót xa day dứt đến thế. 

Hạnh phúc mỉm cười với nàng thì chưa được bao lâu sóng gió lại ập đến đe dọa và giẫm nát hạnh phúc gia đình mà nàng mong chờ. Bi kịch bắt đầu từ câu nói ngây thơ của trẻ con. Thật ra để dỗ con, Vũ Nương hay chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà bảo rằng đó là cha của Đản. Bé Đản ngây thơ nói với Trương Sinh. Đản cũng như chính Vũ Nương không ngờ rằng chỉ một cái bóng ấy lại gây ra bi kịch cho gia đình nàng. 

Trương Sinh vốn tính đã đa nghi nghe lời con đã vội khẳng định chắc nịch là vợ đã thất tiết. Vừa gia trưởng đa nghi lại vừa cố chấp, Trương Sinh khước từ mọi cơ hội giải thích của Vũ Nương. Nàng hết lòng kêu oan nhưng trương Sinh không nghe không nói cho nàng rõ sự tình mà cứ nhất mực đánh đuổi nàng đi. Đến những người hàng xóm bênh vực nàng cũng chẳng thể làm Trương Sinh động lòng.

Phân tích nhân vật Vũ Nương, ta vẫn thấy nhân phẩm trong trắng và tấm lòng trinh bạch của nàng dành cho chồng. Cũng bởi vậy mà cuối cùng nàng đành lựa chọn cái chết để khẳng định sự trinh bạch. Bởi lẽ với nàng khi trinh tiết đã bị nghi ngờ thì mạng sống này còn đáng giá gì. Nếu sống nàng chỉ có thể sống trong nhục nhã ê chề. Nên chỉ đành dùng cái chết để chứng minh. 

Lời thề trước khi chết của nàng khiến ta không khỏi cảm thông “thiếp nếu đoan trang giữ tiết trinh bạch gìn lòng vào nước xin làm ngọc Mị Nương, hay xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá lừa chồng dối con, thì dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin khắp mọi người đều phỉ nhổ”. Đến phút cuối cuộc đời nàng vẫn khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt ấy… 

Cuộc hội ngộ cùng với tấm lòng thiết tha với gia đình 

Xong sau khi Vũ Nương tự sát Trương Sinh thoáng chút động lòng. Sau đó mọi chuyện được sáng tỏ nhưng cuối cùng Vũ Nương đã chết nên Trương Sinh có hối hận thì mọi chuyện cũng đã muộn màng. Trong một lần may mắn, Phan Lang – người cùng làng với Vũ Nương đã được Linh Phi cứu thoát trận đắm tàu và cũng tình cờ gặp được Vũ Nương dưới cung nước. 

Hóa ra các nàng tiên cảm động trước tấm lòng của Vũ Nương nên đã rẽ nước cứu sống nàng ra khỏi khổ đau trần gian. Nhưng nỗi oan trên trần gian của Vũ Nương vẫn chưa được hóa giải đó là lí do nàng đồng ý gặp Trương Sinh. Nghe lời dặn của Vũ Nương, Phan Lang đã tìm gặp và trình bày rõ mọi việc cho Trương Sinh. 

Chàng Trương đã lập đàn giải oan. Sau đó Vũ Nương xuất hiện một cách thật trang trọng “Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ lúc ẩn lúc hiện”. Phân tích nhân vật Vũ Nương sẽ thấy tấm lòng trinh bạch của nàng đã được người đời hiểu thấu, mối oan ức nhục nhã ấy đã được hóa giải. Những tưởng một kết thúc có hậu cho câu chuyện nhưng Vũ Nương lại lựa chọn cách xa lánh cuộc đời không hội ngộ sống chung cùng chàng Trương. Cái kết ấy càng khiến cho người đọc day dứt và qua đó lên án tố cáo xã hội phong kiến.

Đánh giá tác phẩm khi phân tích nhân vật Vũ Nương 

Với dung lượng truyện ngắn nhưng câu chuyện đã truyền tải những bức thông điệp lớn đến với xã hội. Đó là tấm lòng xót thương của tác giả dành cho những người phụ nữ chung thủy son sắt nhưng lại không được tôn trọng trong xã hội phụ quyền trọng nam khinh nữ. Và cũng tố cáo lên án thói gia trưởng. Bởi xét cho cùng chính thói gia trưởng tính đa nghi của Trương Sinh đã bức chết Vũ Nương. 

Trong quá trình phân tích nhân vật Vũ Nương, người đọc cũng nhận ra không chỉ dừng lại ở đó tác phẩm còn gián tiếp lên tiếng tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Chính chiến tranh phi nghĩa đã làm tan nát biết bao gia đình đang hạnh phúc êm ấm. Nếu Trương Sinh không đi lính, nếu chàng không rời xa gia đình khi Vũ Nương sinh bé Đản thì có lẽ họ vẫn là một gia đình hạnh phúc ấm êm trọn vẹn bên nhau. Nhưng cái hạnh phúc ấy lại quá đỗi mong manh bị định kiến xã hội bóp nát. Trương Sinh mất vợ, Bé Đản mất mẹ còn Vũ Nương mất cả một đời. Bi kịch lại chồng chất nối tiếp bi kịch.

Kết bài: Tác phẩm đã kết thúc nhưng vẫn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ. Có lẽ tất cả chúng ta đều tiếc nuối đau xót cho Vũ Nương người con gái với tấm lòng trinh bạch nhưng lại bất lực trước xã hội đầy định kiến. Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương đã để lại nhiều nghĩ suy, day dứt, đầy thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương 

Để giúp người đọc nắm được những nét chính về tác phẩm cũng như giá trị của câu chuyện, dưới đây DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương để có thể thấy được vẻ đẹp của Vũ Nương cùng số phận bi kịch của nàng.

Mở bài phân tích nhân vật Vũ Nương 

  • Sơ nét những điểm nổi bật về Nguyễn Dữ và Chuyện người con gái Nam Xương.
  • Đi từ số phận của những người phụ nữ xưa để vào đề.
  • Dẫn dắt phân tích nhân vật Vũ Nương. 

Thân bài phân tích nhân vật Vũ Nương 

  • Hoàn cảnh cùng phẩm chất trinh tiết của Vũ Nương.
  • Là người vợ đẹp người đẹp nết, hết mình vì gia đình. 
  • Bi kịch xảy ra với Vũ Nương khi Trương Sinh đi lính trở về.
  • Tấm lòng thiết tha trở về với gia đình của Vũ Nương sau khi quyên sinh.

Kết bài phân tích nhân vật Vũ Nương 

  • Khẳng định giá trị tư tưởng cùng nghệ thuật của Chuyện người con gái Nam Xương.
  • Bày tỏ cảm nhận khi phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Có thể thấy, Nguyễn Dữ đã sáng tạo nên một câu chuyện chân thực đầy cảm động từ một ý truyện trong dân gian. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” dù mang ít nhiều yếu tố hoang đường nhưng mang những giá trị sâu sắc. Tác phẩm tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại. Câu chuyện là bức tranh có thực về phẩm chất cùng bi kịch cuộc đời của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó còn là tiếng nói cảm thông bênh vực, là trái tim yêu thương và chia sẻ mà nhà văn đã dành cho họ. Tinh thần nhân đạo cũng vì thế mà tỏa sáng trong tác phẩm. Nguyễn Dữ qua đây cũng tố cáo, lên án mạnh mẽ những bất công của một xã hội nam quyền chà đạp lên thân phận những người phụ nữ nhỏ bé… 

DINHNGHIA.VN đã cùng bạn tìm hiểu và phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Hy vọng kiến thức trong bài đã cung cấp cho bạn những ý văn hay trong quá trình tìm hiểu và phân tích nhân vật Vũ Nương. Nếu có bất cứ câu hỏi, thắc mắc hay góp ý cho nội dung bài viết phân tích nhân vật Vũ Nương, đừng quên để lại ở nhận xét bên dưới nhé. Nếu thấy hay đừng quên share bạn nhé!. 

Xem thêm:

Rate this post
Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *