Phản ứng hóa học vẫn luôn thường xuyên xảy ra trong đời sống xung quanh ta. Nhưng phản ứng hóa học là gì? Các loại phản ứng hóa học? Định luật bảo toàn khối lượng phát biểu ra sao? Hãy cùng DINHNGHIA.VN khám phá ngay bây giờ nhé.
Tìm hiểu về phản ứng hóa học là gì
Định nghĩa phản ứng hóa học là gì?
Phản ứng hóa học theo định nghĩa là quá trình biến đổi chất này thành chất khác.
Chất ban đầu tham gia phản ứng gọi là chất tham gia, chất thu được sau phản ứng thường gọi là sản phẩm hoặc chất được tạo thành.
Và trong phản ứng hóa học chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác.
Ví dụ: Phản ứng hóa học xảy ra trong quá trình tôi vôi từ vôi sống và nước. Chất tham gia là vôi sống (CaO) và nước (\(H_{2}O\)) cho ra sản phẩm là vôi tôi (\(Ca\left (OH \right )_{2}\))
Phương trình: \(CaO+H_{2}O\rightarrow Ca\left ( OH \right )_{2}\)
Khi nào phản ứng hóa học xảy ra?
Khi đã biết phản ứng hóa học là gì, bạn đã nắm được khi nào thì phản ứng hóa học xảy ra? Phản ứng hóa học chỉ xảy ra trong điều kiện các chất được tiếp xúc với nhau trong một môi trường phù hợp (điều kiện nhiệt độ, áp suất…) để diễn ra phản ứng.
Khi tiến hành một số phản ứng hóa học, ta có thể sử dụng các chất xúc tác để đẩy nhanh tốc độ phản ứng giữa các chất tham gia và hoàn toàn không thay đổi chất sản phẩm so với khi không dùng chất xúc tác.
Chất xúc tác có thể đẩy nhanh tốc độ của một phản ứng hóa học lên vài lần thậm chí là vài chục hay vài trăm lần so với tốc độ của một phản ứng hóa học bình thường.
Ví dụ: trong các nhà máy sản xuất phân đạm, người ta thường sử dụng sắt (Fe) làm chất xúc tác để đẩy nhanh phản ứng hóa học xảy ra giữa nitơ (N) và hydro (H) để tạo ra amoniac (\(NH_{3}\))
Làm sao để nhận biết phản ứng hóa học có xảy ra?
Phản ứng hóa học là gì và làm thế nào nhận biết phản ứng hóa học xảy ra? Để nhận biết được điều này, chúng ta chỉ cần xác định xem có chất mới được tạo thành sau khi phản ứng diễn ra hay không.
Các tính chất mà ta có thể nhận ra được thường là màu sắc (chuyển từ màu này sang màu khác), trạng thái (chất tan ra, hoặc có chất kết tủa) hoặc tỏa sáng, phát sáng, tạo khói… khi xảy ra phản ứng.
Các loại phản ứng hóa học lớp 8 thường gặp
- Phản ứng hóa hợp
- Phản ứng phân hủy
- Phản ứng oxi hóa – khử
- Phản ứng thế
Định luật bảo toàn khối lượng trong phản ứng hóa học
Phát biểu định luật bảo toàn khối lượng
“Trong một phản ứng hóa học, tổng khối lượng của các sản phẩm bằng tổng khối lượng của các chất phản ứng”
Ta có công thức như sau:
\(m_{A}+m_{B}=m_{C}+m_{D}\)
Trong đó, có A, B là các chất tham gia phản ứng; C,D là các chất sản phẩm.
Giải thích về định luật bảo toàn khối lượng
Tổng khối lượng các chất được bảo toàn trong phản ứng hóa học vì khi phản ứng hóa học diễn ra, chỉ có sự thay đổi liên kết giữa các nguyên tử, còn tổng số nguyên tử của các nguyên tố cũng như khối lượng của chúng hoàn toàn không đổi.
Ví dụ: Cho Natri (Na) tác dụng với nước (\(H_{2}O\)) tạo ra sản phẩm là Natri Hydroxit (NaOH) và khí Hydro (\(H_{2}\)). Theo định luật bảo toàn khối lượng, ta có:
\(m_{Na}+m_{H_{2}O}=m_{NaOH}+m_{H_{2}}\)
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng
Trong một phản ứng có n chất, kể cả chất phản ứng và sản phẩm, nếu biết khối lượng của (n-1) chất thì ta sẽ tính được khối lượng của chất còn lại.
Một số dạng bài tập phản ứng hóa học
Bài tập 1: Trong phản ứng hóa học ở thí nghiệm, cho biết khối lượng Natri sunfat \(Na_{2}SO_{4}\) là 14,2 g, khối lượng của các sản phẩm Bari sunfat \(BaSO_{4}\) và Natri Clorua NaCl theo thứ tự là 23,3 g và 11,7 g.
Hãy tính khối lượng của Bari clorua \(BaCl_{2}\) đã phản ứng.
Hướng dẫn: Theo định luật bảo toàn khối lượng, ta có:
\(m_{Na_{2}SO_{4}}+m_{BaCl_{2}}=m_{NaCl}+m_{BaSO_{4}}\)
\(\Rightarrow m_{BaCl_{2}}=m_{NaCl}+m_{BaSO_{4}}-m_{Na_{2}SO_{4}}\)
\(\Rightarrow m_{BaCl_{2}}=\) 11,7 + 23,3 – 14,2 = 20,8 (g)
Vậy, khối lượng của Bari clorua \(BaCl_{2}\) đã phản ứng là 20,8 g.
Bài tập 2: Đốt cháy hết 9g kim loại Magie Mg trong không khí thu được 15g hợp chất Magie oxit MgO. Biết rằng Magie cháy là xảy ra phản ứng với khí \(O_{2}\) trong không khí.
a) Viết công thức về khối lượng của phản ứng xảy ra.
b) Tính khối lượng của khí oxi phản ứng.
Hướng dẫn:
a) Công thức về khối lượng của phản ứng xảy ra là:
\(m_{Mg}+m_{O_{2}}=m_{MgO}\)
b) Khối lượng của khí oxi tham gia phản ứng:
Theo định luật bảo toàn khối lượng, ta có:
\(m_{O_{2}}=m_{MgO}-m_{Mg}\)
\(\Rightarrow m_{O_{2}}=\) 15 – 9 = 6 (g)
Như vậy, chúng ta đã có đáp án thỏa đáng cho các câu hỏi phản ứng hóa học là gì, định luật bảo toàn khối lượng và cách áp dụng định luật vào bài tập. Chúc các bạn thành công!