Tính từ là gì? Tính từ có chức năng gì và có mấy loại tính từ trong tiếng Việt? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Tính từ là gì và chức năng của tính từ

Về bản chất, tính từ có mối liên hệ với động từ và danh từ. Theo tác giả cuốn “Ngữ pháp Tiếng Việt từ loại”, tính từ là từ loại chỉ đặc trưng, tính chất của mọi khái niệm được biểu đạt bằng động từ và danh từ. Thế nhưng, cách mô tả này khá trừu tượng.

Ngày nay, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng tính từ là những từ được dùng để chỉ tính chất và đặc điểm của sự vật, hành động và hiện tượng trong cuộc sống. Khi tính từ kết hợp với các từ ngữ khác sẽ tạo nên các cụm tính từ.

*Chức năng của tính từ

Tính từ vẫn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong giao tiếp hay văn học. Nó vẫn thường được kết hợp với danh từ và động từ để bổ sung ý nghĩa về đặc điểm, tính chất và mức độ. Ngoài ra, việc dùng tính từ khiến cho người đọc, người nghe cũng hiểu rõ về sự việc và sự vật được nhắc tới. Theo đó, cách diễn đạt trở nên linh hoạt hơn. Trong câu, tính từ có chức năng là vị ngữ, giúp bổ sung ý nghĩa cho danh từ.

Ví dụ: Em bé này rất dễ thương. Từ dễ thương ở đây bổ sung ý nghĩa cho danh từ “em bé”.

2. Phân loại tính từ trong tiếng Việt

Thực tế cho thấy có thể phân loại tính theo nhiều khác. Đầu tiên, có thể phân tính từ thành 2 loại là tính từ biểu thị phẩm chất, đặc điểm của người, vật, hiện tượng chuyển thành từ chỉ người, vật, hiện tượng có đặc điểm, phẩm chất đó và loại tính từ biểu thị đặc điểm, phẩm chất của sự vật, hiện tượng chuyển thành động từ để chỉ hành động.

Thế nhưng, đây là cách phân loại khá phức tạp. Do vậy, có thể hiểu các loại tính từ như sau:

Tính từ chỉ trạng thái

Tính từ chỉ trạng thái là tính từ chỉ tình trạng của con người, sự vật, tồn tại ở một thời điểm nào đó. Có một số tính từ chỉ trạng thái hay gặp như buồn, vui, ồn ào, im lặng, đau… 

Tính từ chỉ đặc điểm

Loại tính từ này được sử dụng để mô tả một đặc điểm, đặc trưng riêng của hiện tượng, sự vật nào đó. Đặc điểm đó có thể là một nét riêng biệt riêng của một sự vật, ví dụ như con người, cây cối, đồ vật. Người nghe có thể tưởng tượng ra được sự khác biệt về màu sắc, hình dáng, mùi vị cũng như các đặc điểm khác thông qua tính từ mô tả này.

  • Đặc điểm bên trong: Nói về tính từ chỉ tính chất. Đó là những nét riêng biệt mà chỉ có thể được nhận biết thông qua việc quan sát, khái quát và suy luận. Đây là đặc điểm về tâm lý, tính cách, hay giá trị, độ bền của một đồ vật, con người… Chẳng hạn như tính từ: tốt, ngoan, xấu, hư…
  • Đặc điểm bên ngoài: Đây là đặc điểm có thể nhìn thấy, cảm nhận bên ngoài của một sự vật, hiện tượng, thông qua thị giác, vị giác hay xúc giác về hình dáng, màu sắc và âm thành. Chẳng hạn như tính từ: thấp, cao, rộng, hẹp, đỏ, đen, trắng,…

Tính từ chỉ mức độ

Loại tính từ này chỉ mức độ diễn ra của một sự việc, hành động nào đó trong câu. Thông thường, chúng ta hay gặp tính từ chỉ mức độ như chậm, nhanh, gần, xa…

Ngoài ra, người ta cũng có thể phân loại tính từ thành tính từ tự thân và tính từ không tự thân.

Tính từ tự thân

Loại tính từ này là những từ biểu thị được quy mô, màu sắc, hình dáng, phẩm chất, mức độ, âm thanh… Ví dụ như sau:

  • Tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen, trắng, xanh lục, xanh lơ, cam, đỏ thẫm, xám, chàm,…
  • Tính từ chỉ kích thước: dày, ngắn, dài, cao, thấp, rộng, hẹp, mỏng
  • Tính từ chỉ mùi vị: đắng, cay, ngọt, bùi, thối, mặn, nhạt, thơm, chua, chát, nồng, tanh…
  • Tính từ chỉ âm thanh: ồn ào, lặng lẽ, trong trẻo, lao xao, lác đác…
  • Tính từ chỉ hình dáng: tròn, méo, vuông, thẳng, cong,…
  • Tính từ chỉ lượng: đông đúc, nhẹ, nặng, vắng vẻ, sầm uất, hiu quạnh…
  • Tính từ chỉ phẩm chất con người: Hòa đồng, thân thiện, nhỏ mọn, ga lăng, tốt, xấu, nhút nhát, bạo dạn…

Tính từ không tự thân

Đây là loại từ không phải tính từ mà là từ thuộc từ loại khác như động từ, danh từ đã được chuyển và dùng như tính từ. Để tạo ra tính từ không tự thân, chúng ta chuyển loại của các từ thuộc các nhóm từ loại khác nên ý nghĩa của tính từ đó sẽ chỉ được xác định nếu đặt chúng vào mối liên hệ với những từ khác trong cụm từ hoặc trong câu. Chúng sẽ không được xem là tính từ mà sẽ thuộc từ loại khác khi được tách ra khỏi mối quan hệ đó.

Ví dụ về tính từ không tự thân: Tác phẩm ấy mang một hồn thơ rất Xuân Diệu (Từ Xuân Diệu ở đây dùng để chỉ cá tính, phong cách và ngôn ngữ đặc trưng của chính tác giả). Theo đó, khi cả động từ và danh từ được dùng như tính từ thì nó mang ý nghĩa khái quát hơn nhiều so với nghĩa thường được dùng.

3. Sau tính từ là gì?

Bên cạnh khái niệm tính từ là gì, bạn cũng cần quan tâm đến sau tính từ để biết cách sử dụng tính từ tốt hơn. Có thể thường thấy, tính từ trong tiếng Việt hay đứng sau danh từ và động từ. Tính từ sẽ đứng ở đầu câu khi được dùng để làm chủ ngữ. Khi đó, sau tính từ là vị ngữ.

Một số ví dụ:

  • Hoa tươi: Tính từ tươi bổ sung ý nghĩa cho hoa
  • Đi rất chậm: Tính từ chậm bổ sung ý nghĩa cho việc đi bộ

Tính từ sẽ không thể liên kết với các phó từ mệnh lệnh như đừng, hãy,… giống như động từ. Thay vào đó, nó chỉ có thể kết hợp với những phó từ khác như đã, đang, chẳng, không, sẽ, còn… Ví dụ như vẫn yên lặng, không xấu, đã từng rụt rè…

Tính từ là một từ loại phổ biến trong tiếng Việt, thường được kết hợp với danh từ và động từ để tạo nên một câu hoàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa. Hy vọng những thông tin ở bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về tính từ cũng như các loại tính từ.

Rate this post
Please follow and like us: