Phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để thấy vẻ đẹp của những người phụ nữ vẫn tỏa sáng trong cái đói bần cùng. Bên cạnh đó, nhà văn cũng tái hiện thành công khung cảnh nghèo khổ, cơ cực, qua đó gián tiếp tố cáo xã hội đã đẩy con người đến sự rẻ rúng, tha hoá về nhân phẩm chỉ vì miếng cơm manh áo. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu và phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Mở bài: Khắc họa hình tượng người phụ nữ, các nhà văn thường lựa chọn những người phụ nữ tài sắc mà số phận cùng cực bị đẩy đến đường cùng. Ta từng bắt gặp những người phụ nữ lận đận trong ca dao, một nàng Kiều trong những lời thơ của Nguyễn Du, hay hình ảnh chị Dậu trong đêm tối không lối thoát… Nhưng với Kim Lân, nhà văn lại chọn một hình tượng người phụ nữ đặc biệt. Đó là hình ảnh một người phụ nữ được nhìn nhận trong nạn đói khủng khiếp, vì miếng cơm mà sẵn sàng đánh đổi cả lòng tự trọng, liều mình theo một người đàn ông xa lạ về làm vợ chỉ với bốn bát bánh đúc. Thế nhưng, ở người phụ nữ ấy, Kim Lân vẫn phát hiện ra những vẻ đẹp tưởng chừng như đã bị cái đói che khuất đi. Cùng phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.
Đôi nét về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt
Trước khi phân tích nhân vật Thị cũng như những nhân vật khác trong tác phẩm này, người đọc cần nắm được những điểm chính về Kim Lân cũng như truyện ngắn Vợ nhặt.
Tìm hiểu về nhà văn Kim Lân
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài. Ông sinh ngày 1 tháng 8 năm 1920 tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông mất vào năm 2007. Kim Lân chỉ học hết bậc tiểu học. Trước cách mạng tháng tám, ông đã phải trải qua một cuộc sống mưu sinh lam lũ. Cuộc sống là kinh nghiệm quý báu để ông khắc họa nên những số phận bất hạnh của người nông dân nghèo trong cách sáng tác của mình. Và đó cũng là một trong những lý do khiến ông được mệnh danh là “nhà văn đồng ruộng” hay “nhà văn của Vợ nhặt quê”.
Thế giới nghệ thuật của Kim Lân tập trung vào khung cảnh nông thôn và người nông dân vùng Bắc Bộ. Tuy Kim Lân không có số lượng tác phẩm đồ sộ nhưng mỗi tác phẩm của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc không trộn lẫn. Ông thuộc dạng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trên văn đàn.
Như một nhà nghiên cứu đã nhận xét “chỉ với ba truyện Vợ Nhặt, Vợ nhặt, Con chó xấu xí, Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong Vợ nhặt văn Việt Nam”.
Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, Những truyện ngắn của Kim Lần phải kể đến là Đứa con người vợ lẽ, Đôi chim thành, Chó săn, Vợ nhặt,… và hai tập truyện Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962).
Giới thiệu truyện ngắn Vợ nhặt
Truyện ngắn Vợ nhặt được sáng tác năm 1954 với tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm viết về cái đói và hiện thực khốc liệt của nạn đói 1945 nhưng thể hiện niềm tin vào cuộc sống và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa những con người nghèo khổ như chính Kim Lân đã nói “Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người nói dù thế nào đi chăng nữa vẫn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai”.
Vợ nhặt kể về một gia đình nghèo trong nạn đói năm 1945. Tràng là một thanh niên chưa vợ, sống cùng mẹ trong xóm ngụ cư. Trong lúc cái đói lên đến đỉnh điểm và tung hoành khắp nơi, anh lại dắt về một người vợ. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng cũng rất bất ngờ về điều này nhưng bà nhanh chóng hiểu ra mọi chuyện và chấp nhận người đàn bà xa lạ này là con dâu.
Có nàng dâu mới cuộc sống gia đinh Tràng bắt đầu có sự thay đổi. Dù bữa cơm ngày đói thảm hại nhưng cũng không khiến cho mọi người mất niềm tin vào tương lai. Đặc biệt, niềm tin ấy càng được tô đậm hơn qua câu chuyện người vợ nhặt kể về đoàn người phá kho thóc cứu đói. Và người vợ nhặt, trong câu chuyện này, đóng một vai trò rất quan trọng vừa lại nạn nhân bi thảm của nạn đói, vừa là người mang đến niềm tin ánh sáng tương lai cho gia đình bà cụ Tứ.
Phân tích nhân vật Thị trong Vợ nhặt của Kim Lân
Trong quá trình phân tích nhân vật Thị (người vợ nhặt), ta thấy người phụ nữ này hiện lên với một số điểm chính. Thị là người có hoàn cảnh éo le, là nạn nhân của nạn đói, là một người phụ nữ khát khao hạnh phúc, khao khát cuộc sống bình dị. Bên cạnh đó, Thị cũng là người làm thay đổi cách nghĩ của Tràng và cũng là người mang đến niềm tin cho cả gia đình.
Thị có hoàn cảnh éo le, là nạn nhân đáng thương của nạn đói
Nhân vật thị xuất hiện không tên tuổi, không gốc gác, không gia đình. Tất cả những thông tin về thị đều là một số không tròn trĩnh, thậm chí là không có một cái tên rõ ràng chỉ được gọi là “thị, ả, người đàn bà”. Cách xây dựng nhân vật như vậy gợi một thân phận mờ nhạt, đáng thương. Và có lẽ thân phận ấy không chỉ của riêng thị mà còn của rất người những con người khác trong nạn đói. Thị chỉ như một mảnh đời trôi dạt, vô danh và hèn mọn.
Cái đói đã làm cô thay đổi quá nhiều về cả nhân hình và nhân tính. Về nhân hình, lần trước gặp Tràng, thị còn hồn nhiên “liếc mắt, cười tít”, đon đả với anh nhưng đến lần thứ hai thì chính Tràng cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của thị “hôm nay thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.
Còn về nhân cách thì thị quên đi cả sự ý tứ của một người phụ nữ mà trở nên suồng sã đến bất ngờ “sầm sập chạy đến”, “sưng sỉa”, “cong cớn” mà trách mắng Tràng “Điêu! Người thế mà điêu”. Thị đã buông ra những lời nói có phần trơ trẽn sống sượng gợi ý Tràng để được ăn. Khi Tràng đồng ý thì “hai con mắt trũng xoáy của thị tức thì sáng lên” và “ngồi sà xuống…cắm đầu ăn một chập bốn bánh bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở”.
Khi phân tích nhân vật Thị, người đọc nhận ra đó là hình tượng đáng thương hơn đáng giận. Cái đói, cái chết dồn con người vào bước đường cùng sẵn sàng làm tất cả. Thị còn chấp nhận theo không Tràng về làm vợ sau khi ăn bốn bát bánh đúc và một câu nói nửa đùa nửa thật của người đàn ông xa lạ này. Lúc này, thị không được khắc họa với những dằn vặt nội tâm hay với những ước mơ hoài bão mà mọi hành động suy nghĩ của thị chỉ quẩn quanh miếng ăn, cái đói, cái chết.
Đó là thân phận bị rẻ rúng, bị cái đói đẩy đến đường cùng. Đây cũng chính là số phận điển hình cho những người nông dân trong nạn đói bị cái ăn dày vò, bất chấp cả phẩm giá. Bức chân dung của một người phụ nữ không được nhìn qua con mắt của một người đang yêu – Tràng, không hề được đẽo gọt mà nó hiện lên một cách thật trần trụi.
Nhân vật Thị vẫn khát khao một mái ấm gia đình
Cuối cùng, cô đã liều lĩnh nhắm mắt đưa chân khi theo Tràng về làm vợ vì lúc này cô cần một chỗ dựa, cần một miếng ăn để tồn tại và cần một mái ấm gia đình. Phân tích nhân vật Thị, ta thấy hình ảnh cô dâu vu quy trong ngày đói cũng thật xót xa. Cô đi sau Tràng “chừng ba bốn bước”, “cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàn nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt” với một vẻ “rón rén, e thẹn”.
Không còn là người đàn bà sỗ sàng như ban nãy để được đòi ăn, mà giờ cái vẻ rón rén ấy chính là biểu hiện của lòng tự trọng, ý thức về phẩm giá của mình. Thị ý thức được rằng mình là người vợ theo không, không có chút tôn nghiêm nào và đây cũng là con đường duy nhất. Tràng trở thành điểm tựa, cái phao duy nhất mà thị có thể bám víu vào trong lúc này.
Cô rất lo lắng, ngập ngừng và có chút thất vọng khi về đến nhà Tràng. Nhìn xung quanh nhà Tràng thì có thể đoán được gia cảnh của Tràng cũng không khá khẩm hơn thị là bao nhiêu. Bởi “cái nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi có dại”, vào trong nhà thì thấy “mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa, hai cái ang nước vẫn để khô cong dưới gốc ổi, đống rác mùn tung bành ngay giữa lối đi”.
Trước tình cảnh ấy, Thị“đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài”. Ngôi nhà là nơi sự sống được ấp ủ, nâng niu, vậy mà ở đây, ngôi nhà của mẹ con bà cụ Tứ tiêu điều hoang lạnh như cạn cùng sự sống khiến cho thị đành ngậm ngùi. Dáng ngồi “mớm xuống mép giường”, có cái gì đó lo lắng, bất an, chông chênh đến tội nghiệp, hoang mang cho những ngày tháng tương lai sau này.
Thị cũng chẳng biết quyết định theo người đàn ông này có đúng hay không, chẳng biết những ngày tháng sau này sẽ như thế nào. Phân tích nhân vật Thị ta cũng nhận ra, khi chấp nhận theo không một người xa lạ về làm vợ, thị đã phó mặc số phận của mình cho cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại trêu ngươi thị một lần nữa. Người đàn ông hào phóng sẵn sàng cho thị bốn bánh đúc chỉ qua vài lời bông lơn hóa ra gia cảnh cũng không khá hơn thị là bao, vẫn phải chạy vạy từng bữa ăn. Thị thương cho cuộc đời mình nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận.
Và nỗi niềm của Thị lúc này đây ngoài buồn tủi cho số phận mình, Thị còn rất bất an. Bởi cô không biết liệu mẹ Tràng có chấp nhận một người xa lạ như cô về làm dâu, có chấp nhận cưu mang thêm một miệng ăn trong căn nhà vốn đã khốn đốn nhiều này. Vì thế, khi mẹ Tràng về, thị đã là người chủ động cất lời chào. Trước mặt mẹ chồng, thị càng rụt rè khép nép hơn, dù thị chủ động gọi bà là “u” nhưng chỉ dám “đứng nguyên một chỗ không nhúc nhích”.
Dáng vẻ “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt” ấy cũng khiến bà mẹ già xót xa, ái ngại. Chính cái dáng vẻ ấy của thị, đã khiến bà cụ Tứ động lòng thương. Với con mắt của một người từng trải, bà cụ hiểu tất cả mọi chuyện đang diễn ra. Bà nhìn thị không bằng ánh mắt dò xét như mẹ chồng thông thường, cũng không nhìn thị với ánh mắt khinh rẻ mà bà cảm thông hết mực cho số phận của thị.
Khi chính thức trở thành vợ của Tràng, thị đã có những thay đổi bất ngờ hay có lẽ đó mới chính là con người thật của thị trước khi bị cái đói làm mờ mắt. Cô thức dậy sớm cùng mẹ chồng quét dọn nhà cửa, thay đổi cách xưng hô với Tràng “sao nhà biết” và “nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh.”
Phân tích nhân vật Thị, ta thấy trong hoàn cảnh này thì Thị đã bắt đầu biết vun xén cho cái gia đình nhỏ của mình. Đặc biệt, thị tỏ ra rất bình thản trước bữa ăn ngày đói. Khi nhận chén cám – “chè khoáng” từ tay mẹ chồng, ban đầu “hai con mắt thị tối lại” nhưng rồi “điềm nhiên và vào miệng”. Cô chấp nhận số phận hiện tại và cũng không muốn làm bà mẹ thêm tủi cực, xót xa.
Phân tích nhân vật Thị để thấy dù có hoàn cảnh bất hạnh nhưng thị đã may mắn tìm được những con người giàu tình yêu thương sẵn sàng cưu mang thị, mang đến cho thị hơi ấm của tình người, của cuộc sống. Chính điều ấy đã trả lại cho thị bản chất tốt đẹp và thắp sáng lên trong thị khát khao tình yêu, khát khao một cuộc sống hạnh phúc
Thị mang đến ánh sáng niềm tin cho gia đình Tràng
Xuất hiện ở nơi mà nạn đói hiện ra với những hình ảnh thảm khốc nhất, nhưng có ai ngờ sự xuất hiện của thị đã mang đến một luồng gió mới cho nơi đây. Tiếng cười nói, trêu chọc từ lâu vốn đã im bặt bởi cái đói hiển hiện bởi cái chết đang đến dần thì hôm nay bỗng vang lên. Trẻ con thích thú trêu chọc “chông vợ hài”, còn những người dân xóm ngụ cư thì ngạc nhiên bán tán xôn xao. Không khí đã có phần bớt u ám, ảm đạm hơn.
Không chỉ ảnh hưởng đến người dân xóm ngụ cư này, mà sự xuất hiện của thị còn mang đến sức sống hy vọng cho gia đình Tràng. Căn nhà cũng thay đổi không còn xiêu vẹo nữa mà thay vào đó là “nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét nước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã được đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi được kín nước đầy ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã được hót sạch”.
Và thị còn khiến Tràng thấy mình nên người trưởng thành hơn, bắt đầu biết sống có trách nhiệm hơn với gia đình. Với bà cụ Tứ, thị đã thắp lên một ngọn lửa niềm tin, lạc quan. Phân tích nhân vật Thị ta thấy, niềm tin ấy tuy nhỏ bé nhưng âm ỉ và bất diệt cứ lớn dần lên trong lòng bà cụ. Bà cũng cùng con dâu vui vẻ dọn dẹp sân nhà đón chào một cuộc sống mới. Nó khiến bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường “cái mặt bủng beo, u ám của bà bỗng rạng rỡ hẳn lên”. Bữa cơm ngày đói thảm thương với nồi cháo với nhúm rau chuối thái rối nhưng cũng đủ để gắn kết những con người này lại với nhau tạo nên một không khí gia đình ấm cúng, hòa hợp.
Điều quan trọng hơn, thị còn đem đến tin tức về cách mạng. Thị là người đầu tiên kể cho cả nhà nghe câu chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người dân không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Câu chuyện ấy khiến Tràng thấy ân hận và tiếc rẻ khi mình không tham gia vào đoàn người đi phá kho thóc mà Tràng từng gặp. Thị đã mang lại nguồn sáng là người báo tin cách mạng. Và điều ấy đã dự cảm trước sự thay đổi trong tương lai.
Nhận xét về tác phẩm khi phân tích nhân vật Thị
Hình tượng nhân vật người vợ nhặt được khắc họa một cách chân thật từ ngoại hình tính cách cho đến số phận. Phân tích nhân vật Thị để thấy đây là hình tượng có ý nghĩa tiêu biểu cho thân phận tội nghiệp cho những người nghèo đói, cho khát vọng sống mãnh liệt và ước muốn có một mái ấm gia đình trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
Phân tích nhân vật Thị để thấy khi được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, chở che, cô trở về đúng với bản chất tốt đẹp của mình gợi lên sự đồng cảm, trắc ẩn cho người đọc. Người phụ nữ ấy xuất hiện trong tác phẩm tuy không mang vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy nhưng lại mang đến một cảm giác ấm áp, mang đến làn gió tươi mát cho căn nhà u ám đang bên bờ vực của cái chết.
Kết bài: Người vợ nhặt chính là đại diện tiêu biểu cho số phận con người trong nạn đói thảm khốc năm 1945. Qua đó, nhà văn đã lên án tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đồng thời, Kim Lân còn thể hiện sự đồng cảm xót xa cho số phận những con người nghèo khổ. Nhưng Kim Lân dù khắc họa họ là những nạn nhân khổ đau của nạn đói nhưng vẫn hiện lên những vẻ đẹp trong cuộc sống bình dị đời thường. Đó là vẻ đẹp của tình yêu thương. Và còn là vẻ đẹp của khát khao hạnh phúc, trong hoàn cảnh tối tăm vẫn hướng về một tương lai tươi sáng.
Dàn ý phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Nhằm giúp các em có thể hệ thống và khái quát hóa được kiến thức trong bài về chủ đề phân tích nhân vật Thị, DINHNGHIA.VN sẽ lập dàn ý tóm tắt về phân tích nhật Thị dưới đây.
Mở bài phân tích nhân vật Thị
- Giới thiệu về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt.
- Đề cập đến nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.
- Giới thiệu về nhân vật Thị trong tác phẩm.
Ví dụ: Được mệnh danh là nhà văn của Vợ nhặt quê Việt Nam, Kim Lân luôn có lối viết bình dị, chân chất và mộc mạc, cùng với những nhân vật điển hình về Vợ nhặt quê xưa. Những trang văn của Kim Lân thường đi sâu vào lòng người đọc bởi chính tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng cũng chan chứa nghĩa tình. “Vợ nhặt” được xem như một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam. Truyện ngắn này đã tái hiện thành công một xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Trong tác phẩm của mình, nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công tuyến nhân vật đại diện cho cuộc sống bần cùng trong giai đoạn đó, điển hình là nhân vật Thị – người vợ nhặt. Hãy cùng phân tích nhân vật Thị để thấy những nét đẹp sâu cùng trong nhân cách của người phụ nữ bị xã hội bần cùng.
Thân bài phân tích nhân vật Thị
- Lai lịch, hoàn cảnh éo le của người vợ nhặt – nạn nhân của cái đói.
- Nhân vật Thị có khát khao một cuộc sống bình dị với hạnh phúc đời thường.
- Thị cũng là nhân vật giúp thắp lên ánh sáng về mơ ước và hi vọng trong gia đình Tràng.
Kết bài phân tích nhân vật Thị
- Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Vợ nhặt.
- Truyện ngắn cũng chứa đựng giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
- Nhân vật Thị (người vợ nhặt) là điển hình cho phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ trong xã hội bị bần cùng đói khổ.
Như vậy, khi phân tích nhân vật Thị, người đọc nhận thấy đây là một hình tượng thành công của Kim Lân trong nghệ thuật phân tích tâm trạng người phụ nữ cùng khổ trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Nhân vật người vợ nhặt hiện lên với những sự đáng thương đầy ám ảnh. Từ nhân vật Thị, tác phẩm chứa đựng giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Nhà văn đã lên án mạnh mẽ xã hội thực dân đồng thời cũng ngợi ca khát vọng sống cao đẹp trong cảnh cơ cực của những người dân lúc bấy giờ.
Trên đây là những phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích. Nếu có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến chủ đề phân tích nhân vật Thị, đừng quên để lại nhận xét bên dưới để cùng DINHNGHIA.VN trao đổi thêm nhé!.
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân
Xem thêm >>> Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Pingback: Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài