Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân để thấy tình yêu làng, yêu quê hương đất nước sâu đậm cùng với sự tin tưởng tuyệt đối và kháng chiến của những người nông dân chất phác và đôn hậu. Bên cạnh đó, người đọc còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp khi cảm nhận về nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng. Trong nội dung bài viết dưới đây, DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn phân tích và cảm nhận về nhân vật ông Hai, cùng tìm hiểu nhé!
Mở bài: “Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều…”
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Từ rất lâu, “quê hương” đã trở thành tiếng gọi thân thương. Đó là đề tài lớn, vượt cả không gian lẫn thời gian để đến với bao triệu tâm hồn yêu văn chương. Quê hương ấp ủ những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ đầy ước vọng: là cánh diều no gió vươn cao, là biển lúa vàng óng ánh, là mái đình rêu phong, là hồ sen thơm ngát buổi trưa hè. Khi viết về tình yêu làng xóm, quê hương, nền văn học đương đại cũng không thể nào không nhắc đến Kim Lân – một nhà văn trọn đời gắn tâm hồn chân tình và mộc mạc của mình với làng quê. Tâm hồn ấy được thể hiện sâu sắc qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của tác giả.
Những nét chính về nhà văn Kim Lân và truyện ngắn Làng
Trước khi cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả và tác phẩm.
Đôi nét về tác giả Kim Lân
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài (1920 – 2007), quê ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông bươn chải ở đời khi tuổi còn rất trẻ. Nhưng cũng chính vì thế mà ông có một vốn sống cũng như trải nghiệm chân thật đối với nếp sinh hoạt vùng nông thôn, xứng đáng là một cây bút độc đáo về đề tài làng quê Việt Nam.
Tuy sự nghiệp sáng tác của ông không đồ sộ nhưng những tác phẩm của ông đều mang những nét đặc sắc riêng, khó có thể trộn lẫn với các tác giả khác. Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, ông được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ.
Từng trang viết của nhà văn như được sinh ra từ đồng ruộng đều cay xè mùi khói bếp, thơm thơm mùi lúa chín, ngai ngái cái nghèo đó của mùi rơm rạ hay bảng lảng những cánh cò chao nhịp trên đồng ruộng mênh mông. Điểm đặc biệt là ở các tác phẩm của ông đều kết thúc hướng về ánh sáng của Cách mạng nên không tăm tối như những nhà văn hiện thực đương thời. Ta biết đến ông qua những tác phẩm truyện như Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí, Nên vợ nên chồng …
Tìm hiểu về truyện ngắn Làng
Làng là một tác phẩm ra đời trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc về những thay đổi trong nhận thức và tình cảm của người nông dân. Trong thời kì này thì người dân nghe theo chính sách của chính phủ: kêu gọi nhân dân ta tản cư, những người dân ở vùng địch tạm chiếm đi lên vùng chiến khu để chúng ta cùng kháng chiến lâu dài.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là ông Hai – một người rất tự hào và yêu mến làng Chợ Dầu của mình. Do chiến tranh nên gia đình ông phải tản cư nhưng ông luôn mong ngóng tin tức về làng. Hình ảnh ông Hai đau khổ khi nghe tin làng theo giặc được miêu tả rất độc đáo.
Cuối đoạn, ông Hai vui mừng khi nghe tin cải chính rằng làng mình không theo giặc dù cho nhà ông bị đốt trong đám cháy ấy. Ở nhân vật này, ông Hai thể hiện nhận thức của mình, hơn cả là nhận thức chung của giai cấp nông dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ tình yêu làng da diết, nhân vật đã nâng lên thành tinh thần yêu nước mạnh mẽ, hi sinh tài sản riêng để giữ vững lòng trung với Tổ Quốc.
Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Tình yêu làng sâu sắc thể hiện qua cách khoe làng
Khi cảm nhận về nhân vật ông Hai, người đọc nhận thấy trước hết, ông Hai đã cho thấy tình yêu làng da diết qua hành động khoe làng của mình. Trước Cách mạng tháng Tám, khi nhắc đến làng là ông Hai tự hào về cái “sinh phần” của viên tổng đốc làng ông, nó nguy nga, đồ sộ. Không những thế, ông còn khoe và hãnh diện với mọi người về: “con đường làng trải toàn là đá xanh. Trời mưa, trời gió bão, bùn đi không dính gót. Trong làng, nhà ngói san sát như trên tỉnh”.
Cảm nhận về nhân vật ông Hai, ta thấy sau cách mạng tháng Tám, khi khoe làng, ông còn nhắc đến những ngày cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá. Điều đó cho thấy rõ ràng trong ông Hai đã có sự thay đổi về nhận thức. Trước đây ông chỉ chú ý đến cái hào nhoáng, bóng bẩy bên ngoài thì giờ đây ông trân trọng những kỉ niệm khi cùng mọi người xây dựng cho làng.
Từ hình ảnh khoe làng giàu và đẹp, ông đã thay đổi nhận thức của mình. Làng vẫn giàu và đẹp đó nhưng giờ đây làng rất yêu nước, rất “tinh thần”. Ngoài ra, tình yêu ấy còn thể hiện khi gia đình ông xa làng đi tản cư. Ông nhớ: “Ôi nhớ làng, nhớ cái làng quá”. Điều đó không lạ bởi “làng” là nơi thân thương gắn bó, là nơi chôn nhau cắt rốn gắn với những kỉ niệm sâu sắc của người nông dân. Sự gắn bó ấy làm sống dậy tâm hồn của những sự vật tưởng gần như vô tri vô giác.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
(Chế Lan Viên)
Tình yêu làng trong thử thách khi nghe tin làng theo giặc
Hơn nữa, khi cảm nhận về nhân vật ông Hai, ta thấy tình yêu làng của nhân vật được nhà văn đặt trong tình cảnh éo le đó là khi ông hay tin làng Chợ Dầu “Việt gian theo Tây”. Nghe tin sét đánh ấy, ông Hai bàng hoàng: “cổ ông nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân … giọng lạc hẳn đi”. Sự đau đớn được thể hiện rõ qua nét mặt, cử chỉ, giọng nói của ông lão.
Không đau đớn và bàng hoàng sao được vì sâu thẳm trong con tim ông làng Chợ Dầu là làng anh hùng, làng của kháng chiến và cách mạng. Thế mà giờ đây, tất cả niềm tin, hi vọng, niềm tự hào đã hoàn toàn sụp đổ trong ông. Vì vậy mà trên đường về nhà “ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi”, ông xấu hổ không dám nhìn ai, ông tự vấn lương tâm của chính mình.
Còn gì chua chát, đau đớn hơn khi giọng nói của người đàn bà cho con bú vẳng vọng theo: “Cha mẹ tiên sư chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn tha. Còn cái giống Việt gian bán nước chỉ cho mỗi đứa một nhát.” Sự uất ức đến căm giận theo đuổi ông mãi khi về tận nhà. Lúc ấy, nước mắt ông lão giàn ra, ông rít lên những tiếng kêu đau đớn, nhục nhã.
Đồng cảm với nhân vật ấy, người đọc như cảm nhận sự đau đớn, hổ thẹn và uất ức theo từng cử chỉ, từng hành động của ông. Có lẽ đây là đoạn miêu tả nội tâm độc đáo nhất, thành công nhất của nhà văn. Tác giả đã để cho nhân vật trải qua từng cung bậc tâm lí, đẩy lên cao trào rồi bật ngược như vỡ òa ở phần sau. Ngẫm kĩ, ta thấy đối với người nông dân chất phác, tay lấm chân bùn thì cái tin làng theo giặc quả thật là cú sốc to lớn, là điều đau đớn và nặng nề mà họ phải chịu đựng.
Niềm hạnh phúc khi nghe tin làng Dầu được cải chính
Kế tiếp, khi cảm nhận về nhân vật ông Hai, điều khiến người đọc trân trọng và cảm phục đó chính là lòng yêu nước nồng nàn. Mặc dù rất muốn cùng anh em ở lại giữ ngôi làng thân thuộc nhưng vì chính sách của cụ Hồ, ông Hai đành phải làm theo và tự nhủ “tản cư cũng là kháng chiến”.
Có thể thấy, ông Hai và những người có suy nghĩ như ông đều tin rằng bản thân mình tuân theo điều lệnh cũng chỉ để phục vụ cho việc kháng chiến diễn ra suôn sẻ. Ấy là một cách nghĩ đơn giản nhưng có lí, có tình. Ở nơi xa quê hương, hình ảnh một ông lão đứng ngóng chờ nghe tin tức kháng chiến thật dễ mến. Mỗi khi có tin báo thắng lợi từ đài phát thanh “ruột gan ông như múa cả lên”, lúc ấy, ông Hai rất vui và hòa cùng tiếng reo với mọi người.
Với một người chỉ qua lớp bình dân học vụ, chỉ biết vài con chữ nhưng mỗi sáng vẫn đọc to từng chữ trên báo, vẫn hòa cùng mọi người bàn tán về tình hình, ta thấy tinh thần ấy thật đáng quý. Cảm nhận về nhân vật ông Hai, ta còn thấy khi hay tin làng theo giặc thì ông đau đớn vô cùng. Có lúc ông lại nghĩ đến việc về lại làng nhưng lại nghĩ: “Về làm gì cái làng ấy nữa, chúng nó theo Tây cả rồi”.
Thật khó để ông đi đến lựa chọn: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Câu nói ấy thể hiện tấm lòng son sắc của ông dành cho quê hương, đất nước, qua đó ông đưa ra quyết định, thà không quay về làng cho thấy sự kiên quyết trong cách nghĩ, cách sống của ông Hai. Niềm mơ ước lớn lao nhất của ông chính là được quay về làng thăm lại anh em, đồng chí. Vậy mà giờ đây, ông không những buộc phải bỏ làng mà còn thù làng. Chắc chắn, để đi đến quyết định này, nhân vật cũng khổ tâm và đau đớn hơn cả.
Cuối đoạn, gương mặt buồn thỉu ngày nào bỗng vui mừng, rạng rỡ hẳn lên. Lúc ông Hai nghe tin cải chính làng không theo giặc, đi đến đâu ông cũng bô bô: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn! Toàn là sai sự mục đích cả. Láo. Láo hết”. Thật ngạc nhiên khi nhà cửa ông bị đốt, khi ngôi làng thân thương của ông bị đốt, ông lại tỏ vẻ vui mừng, đi khoe với mọi người sự mất mát ấy.
Ông lấy làm vui mừng trước sự mất mát ấy vì cớ gì? Phải chăng, niềm hạnh phúc to lớn hơn đằng sau ấy là một tấm lòng yêu nước trong sạch, kiên định theo chính sách của cụ Hồ. Khi cảm nhận về nhân vật ông Hai, ta thấy đối với những nông dân thật thà, chất phác thì họ thà hi sinh những ruộng nương, nhà cửa chứ nhất định không chịu làm nô lệ, không chịu cảnh mất nước.
Nhà thơ Anh Byron đã từng viết: “Kẻ nào không yêu quê hương, đất nước thì họ chẳng có thể yêu gì cả”. Tinh thần yêu nước của ông Hai đã bừng sáng cao hơn cả tình yêu ngôi làng thân thương của mình. Sự nâng cao tình cảm ấy là nét đáng quý trong tâm hồn của nhân vật – một con người yêu nước, yêu làng.
Đánh giá tác phẩm khi cảm nhận về nhân vật ông Hai
Cảm nhận về nhân vật ông Hai, có thể thấy, nhà văn Kim Lân đã thật khéo léo xây dựng hình tượng nhân vật, một lão nông dân nghèo khổ nhưng tình cảm mà ông dành cho làng, cho nước thì vô cùng sâu đậm, nồng nàn. Ông Hai là biểu tượng cho người nông dân trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp kiên định và một lòng yêu nước tha thiết.
Sự thành công của truyện có lẽ do sự am hiểu gần gũi giữa nhà văn và đời sống nông thôn Việt Nam. Đi từ cách nghĩ đến hành động, những màn đánh vào tâm lí người đọc qua những lời lẽ của nhân vật làm cho tác phẩm dễ hiểu và dễ đồng cảm nơi độc giả. Khi đọc Làng, ít nhiều sẽ có người tin rằng đó phải là một nhân vật ông Hai đời thường bước vào trang văn của Kim Lân không phải là truyện ở dạng hư cấu.
Nét tạo hình và miêu tả tâm lí được xây dựng một cách đặc sắc. Tác giả để nhân vật yêu làng, làm bước đòn bẩy để bật lên tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nồng nàn. Nghệ thuật đòn bẩy đã được cài sẵn khéo léo cộng với cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giọng văn giản dị đã tạo nên nét nghệ thuật hấp dẫn cho tác phẩm.
Kết bài: Tóm lại, bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, kết hợp vài yếu tố bất ngờ, nhà văn Kim Lân đã kể một cách trọn vẹn câu chuyện về tình hình làng quê và tâm hồn nông dân Việt Nam trong thời buổi kháng chiến đầy khó khăn. Qua tìm hiểu tác phẩm Làng nói chung và cảm nhận về nhân vật ông Hai nói riêng, ta thấy tình yêu làng thống nhất cùng với tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, ngay cả bản thân tác phẩm còn gửi đến người đọc một thông điệp sâu sắc về lẽ sống cao đẹp, một lẽ sống mà ngay khi con người còn tồn tại trên thế gian này, hãy biết yêu thương nơi mình sinh ra và lớn lên, hãy biết trân trọng và luôn tin tưởng về một tương lai tươi sáng…
Dàn ý cảm nhận về nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng
Việc nắm được dàn ý cảm nhận về nhân vật ông Hai sẽ giúp các em ghi nhớ được nội dung của chủ đề trên.
Mở bài cảm nhận về nhân vật ông Hai
- Giới thiệu nhà văn Kim Lân cùng tác phẩm Làng: Tác giả chuyên viết truyện ngắn, ông có vốn am hiểu và gắn bó sâu rộng với cuộc sống nông thôn. Làng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông.
- Nhân vật ông Hai là nhân vật trung tâm của tác phẩm với tình yêu làng, yêu quê hương sâu đậm.
Thân bài cảm nhận về nhân vật ông Hai
- Khái quát về nhân vật ông Hai cùng tình huống truyện.
- Tình yêu làng thể hiện qua cách khoe làng: là người nông dân chất phác luôn tự hào về ngôi làng của mình, mọi niềm vui nỗi buồn đều xoay quanh làng Dầu.
- Tâm trạng bất ngờ, choáng váng của ông Hai khi nghe tin làng Dầu việt gian theo giặc.
- Tình yêu làng của ông Hai còn thể hiện ở niềm vui hạnh phúc khi nghe tin làng Dầu được cải chính.
Kết bài cảm nhận về nhân vật ông Hai
- Khái quát lại giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm.
- Như vậy, Kim Lân là nhà văn có những am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.
- Bày tỏ suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng.
Tác phẩm khép lại nhưng tinh thần, vẻ đẹp của nhân vật ông Hai, của người nông dân thì để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên. Cảm nhận về nhân vật ông Hai, ta thấy ông đại diện cho vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Yêu làng, yêu đất nước và gắn bó với kháng chiến. Bởi vậy mà truyện ngắn “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Trên đây là những cảm nhận về nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về chủ đề cảm nhận về nhân vật ông Hai. Chúc bạn luôn học tốt!
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Xem thêm >>> Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Ngữ Văn lớp 9
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu – Ngữ Văn Lớp 9
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh – Ngữ Văn Lớp 9
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt – Ngữ Văn lớp 9
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
Xem thêm >>> Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà