Môi trường là một khái niệm rộng nhưng có thể hiểu cơ bản nhất là những điều kiện thiết yếu quan trọng đối với sự sống của con người và các sự sống khác. Tìm hiểu những thông tin, kiến thức dưới đây để hiểu được môi trường là gì, cũng như vai trò, ý nghĩa của môi trường. 

1. Môi trường là gì?

Môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, bao gồm cả những vật sống và không sống như đất, nước, động vật và thực vật, chúng tự thích nghi với môi trường xung quanh. Đó là món quà của thiên nhiên giúp nuôi dưỡng sự sống trên Trái đất.

Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại của sự sống trên hành tinh trái đất. Từ “môi trường” trong tiếng Anh là “environment”, có nguồn gốc từ tiếng Pháp “Environ” có nghĩa là “xung quanh”. Một hệ sinh thái đề cập đến tất cả những sinh vật sống và không sống có trong môi trường và nó là nền tảng của Sinh quyển, quyết định sức khỏe của toàn bộ hành tinh trái đất.

Đây là nơi liên kết giữa các yếu tố vật chất nhân tạo và yếu tố tự nhiên, là mối quan hệ chặt chẽ và tác động đến sự tồn tại và phát triển của con người, thiên nhiên.

Cũng có thể hiểu môi trường là một tổ hợp các yếu tố xã hội và tự nhiên bao quanh bên ngoài hệ thống hay một cá thể, sự vật nào đó. Có thể xem môi trường là một tập hợp mà ở đó hệ thống đang xem xét là một tập hợp con.

Bên cạnh đó, môi trường cũng được định nghĩa rõ ràng rằng là tập hợp tất cả yếu tố nhân tạo và tự nhiên, tác động tới con người và hoạt động sống của con người như nước, không khí, sinh vật, độ ẩm,…

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, môi trường được định nghĩa bao gồm các yếu tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, tác động tới sản xuất, sự tồn tại, đời sống và phát triển của con người và sinh vật.

Yếu tố vật chất là thành phần môi trường, ví dụ như đất, không khí, nước, ánh sáng, âm thanh, sinh vật, hệ sinh thái cũng như các hình thái vật chất khác.

2. Một số khái niệm liên quan đến môi trường

Môi trường sống

Có thể hiểu môi trường sống là không gian sống, có đủ mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng, đây cũng là nơi có các phế thải được tạo ra bởi con người trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. 

Hiểu theo một nghĩa rộng hơn, môi trường sống có thể bao hàm cả môi trường sống của các loại sinh vật, động vật, vi sinh vật… cùng sinh tồn, tồn tại trên hành tinh trái đất – nơi có sự sống nói chung.

Môi trường nhân tạo

Môi trường nhân tạo là toàn bộ những yếu tố được tạo ra bởi con người như tính chất vật lý, thành phần hóa học. Con người vừa tạo ra và vừa chi phối những yếu tố này.

Một số ví dụ về môi trường nhân tạo là sở thú – nơi động vật, chim và các sinh vật khác sinh tồn bên ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng, thủy cung – nơi cá và các sinh vật dưới nước khác tồn tại bên ngoài môi trường tự nhiên của chúng, nhà kính – nơi thực vật được trồng bên ngoài môi trường tự nhiên của chúng, bể cá, hồ nhân tạo…

Môi trường xã hội

Môi trường xã hội là mối quan hệ giữa người với người. Đây là các cam kết, luật lệ, thể chế, ước định…. ở những cấp độ khác nhau. Nhiệm vụ của môi trường xã hội là định hướng con người theo một khuôn khổ nhất định, khiến cuộc sống của con người trở nên khác biệt với các sinh vật khác.

Nếu hiểu theo một góc nhìn rộng hơn, môi trường xã hội là môi trường mà nhân tố trung tâm chính là con người. Họ tham gia và chi phối môi trường này. Trong môi trường xã hội có các yếu tố như kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử, giáo dục, thể thao… đều xoay quanh con người. Con người lấy những yếu tố đó làm nguồn sống và mục tiêu cho mình. Trong một môi trường xã hội tích cực, các nhân tố cấu thành sẽ hỗ trợ cho nhau, con người sẽ hưởng đầy đủ các quyền như sống và làm việc, hưởng thụ. Các tệ nạn xã hội là mặt trái của môi trường xã hội.

3. Vai trò của môi trường là gì?

Môi trường đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sự tồn tại của sự sống trên hành tinh trái đất. Trái đất là ngôi nhà chung của những loài sinh vật khác nhau và chúng ta phụ thuộc vào môi trường để có không khí, nước, thức ăn và các nhu cầu khác. Do đó, điều quan trọng đối với mỗi cá nhân là tiết kiệm và bảo vệ môi trường của chúng ta.

Dưới đây là một số vai trò nổi bật của môi trường: 

*Là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất

Đây là một trong những vai trò quan trọng đầu tiên của môi trường đối với con người. Có thể dễ dàng nhận thấy các tài nguyên của mẹ thiên nhiên đều gắn liền với mọi ngành sản xuất, chẳng hạn như:

  • Rừng tự nhiên cung cấp gỗ, nước, bảo vệ sự đa dạng sinh học, qua đó cải thiện môi trường chung của hệ sinh thái
  • Đất nông nghiệp phục vụ cho hoạt động trồng lúa
  • Vật liệu xây dựng thô như đá, đất hay các vật liệu qua chế biến như sắt, thép, xi măng phục vụ cho ngành xây dựng
  • Biển mang đến nước, nguồn tài sản… phục vụ nhu cầu sinh tồn của con người
  • Thực vật và động vật cung cấp nguồn lương thực trực tiếp, để phục vụ đời sống sinh hoạt của con người
  • Các yếu tố khác như nhiệt độ, gió, không khí, năng lượng mặt trời… là các nguồn cung cấp điện năng và sự sống cho con người

Bởi vậy, có thể hiểu rằng con người phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp và môi trường. Do đó, sẽ không có sự sống của con người nếu không tồn tại môi trường.

*Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra

Con người gần như đào thải mọi chất phế thải, rác thải vào môi trường trong quá trình tồn tại và sinh sống. Dưới tác động của các vi sinh vật, các chất này sẽ phân hủy, biến đổi theo những quá trình sinh địa hóa rất phức tạp. Các chất thải, sau khi trải qua các quá trình biến đổi tự nhiên có thể tái sử dụng dưới các hình thức khác nhau, và một phần trong đó tạo thành những độc tố gây tác hại đối với môi trường sống.

*Giữ chức năng lưu trữ và cung cấp các thông tin 

Môi trường có chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người bởi nó ghi chép và lưu trữ lịch sử trái đất, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hóa của con người cũng như lịch sử tiến hóa của vật chất và sinh vật.

Không những thế, môi trường còn mang đến những chỉ thị không gian và mang tính chất tín hiệu và báo động tạm thời về các hiểm họa có thể xảy ra với con người và sinh vật sống trên hành tinh trái đất như các hiện tượng tai biến tự nhiên (động đất, bão, núi lửa…) hay phản ứng sinh lý của cơ thể sống trước khi xảy ra các tai biến tự nhiên.

Ngoài ra, môi trường còn cung cấp và lưu giữ cho con người các loài động thực vật, các nguồn gen, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, cảnh quan, vẻ đẹp có giá trị thẩm mỹ nhằm thưởng ngoại, văn hóa và tôn giáo khác.

*Vai trò bảo vệ con người và sinh vật khỏi những tác động bên ngoài

Nhờ có các thành phần vốn có mà môi trường có thể bảo vệ đời sống của con người và sinh vật trước những tác động từ bên ngoài. Ví dụ như tầng Ozon trong khí quyền có thể hấp thụ và phản xạ các tia cực tím trở lại từ năng lượng mặt trời. 

4. Làm thế nào để bảo vệ môi trường?

Môi trường là không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống và là mọi thứ chúng ta cần cho cuộc sống. Nhưng nó lại đang bị ô nhiễm theo nhiều cách khác nhau. Bởi các hoạt động hàng ngày của con người là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm, vì vậy chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như dưới đây để bảo vệ môi trường khỏi nguy cơ ô nhiễm nặng.

Trồng nhiều cây xanh hơn

Không chỉ cung cấp oxi cho bầu không khí, cây xanh còn là nguồn hấp thụ khí carbon, giúp giảm xói mòn đất và hệ sinh thái. Do vậy, một trong những cách đầu tiên để bảo vệ môi trường là trồng nhiều cây xanh xung quanh, giữ gìn không chặt phá cây xanh bừa bãi.

Sử dụng điện tiết kiệm

Thói quen để nguyên phích cắm trong ổ điện dù không dùng đến các thiết bị đó của nhiều người đã vô tình làm lãng phí một lượng điện không nhỏ. Bởi lẽ, dù ở chế độ chờ nhưng những thiết bị đó cũng làm tiêu hao năng lượng điện. Bởi vậy, bạn nên rút phích cắm khỏi ổ điện hoặc tắt mọi thiết bị điện khi không dùng để góp phần tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.

Dùng các chất liệu từ thiên nhiên

Chúng ta có thể giảm lượng khí thải độc hại cho đất, không khí và nước bằng cách sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên. Một trong những nguyên nhân gây nên những căn bệnh ung thư là thuốc bảo vệ thực vật hay các loại hóa chất. Do đó, chúng ta nên dùng chất liệu thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Dùng năng lượng sạch

Các nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo sẽ không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như những loại nhiên liệu hóa thạch. Đó là lý do vì sao chúng nên duy trì thói quen sử dụng những nguồn năng lượng này để bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Hạn chế sử dụng túi nilon

Túi nilon có thể tồn tại trong môi trường bởi nó mất tới hàng trăm, hàng nghìn năm mới có thể bị phân hủy sinh học. Do vậy, túi nilon có thể gây tác động xấu đến loài người và các sinh vật sống trong đại dương, nước. Hơn nữa, việc sản xuất ra 100 triệu túi nhựa cũng phải cần đến 12 triệu barrel dầu hỏa. Do đó, để bảo vệ môi trường, con người nên hạn chế sử dụng túi nilon và thay vào đó, có thể dùng các loại chất liệu khác như giấy, lá, nứa, giỏ tre để gói sản phẩm.

Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được môi trường là gì cũng như một số thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề này. Hy vọng những kiến thức đó sẽ hữu ích cho bạn!

Rate this post
Please follow and like us: