Mở bài: Nhắc đến giai đoạn văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, người ta thường nghĩ đến hai khuynh hướng văn học nổi bật là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực với chiều hướng không thể dung hòa. Thế nhưng, Thạch Lam đã làm được điều đó trong những sáng tác của mình. Văn phong của ông bay bổng được gọt giũa cẩn thận nhưng xen lẫn vào đó luôn là giá trị hiện thực. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua tác phẩm Hai đứa trẻ. Tác phẩm được xây dựng từ một tình huống đặc biệt – tình huống của tâm trạng. Qua đó, tình huống truyện trong Hai đứa trẻ đã góp phần diễn tả thành công những nỗi niềm mà Thạch Lam muốn gửi gắm.
Tìm hiểu về tác giả và tác phẩm
Trước khi tìm hiểu, cảm nhận và phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, người đọc cần nắm được những nét chính về nhà văn Thạch Lam cũng như tác phẩm.
Đôi nét về nhà văn Thạch Lam
Thạch Lam (sinh năm 1910 – mất năm 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, sinh ra ở Hà Nội. Ông xuất thân từ một gia đình công chức gốc quan lại đồng thời ông cũng là cây bút chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn cùng với hai người anh của mình là Nhất Linh và Hoàng Đạo.
Thuở nhỏ ông sống ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Sau đó, ông học ở Hà Nội và tham gia viết báo, viết văn khi đỗ tú tài phần thứ nhất. Thạch Lam là người đôn hậu tinh tế có quan niệm văn chương lành mạnh tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông sáng tác với phong cách truyện ngắn thường không có cốt truyện mà đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh mơ hồ.
Mỗi tác phẩm của Thạch Lam đều như một bài thơ trữ tình với giọng điệu điềm đạm, chứa đựng biết bao yêu thương chân thành và sự nhạy cảm của ông trước sự thay đổi của cuộc đời và của lòng người. Hai yếu tố hiện thực và lãng mạn hài hòa với nhau tạo nên một giọng văn riêng mang đậm dấu ấn của Thạch Lam. Các sáng tác của Thạch Lam có thể kể đến Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tiểu luận Theo dòng (1941), tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943).
Giới thiệu tác phẩm Hai đứa trẻ
Trong quá trình tìm hiểu và phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy tác phẩm được trích trong tập truyện Nắng trong vườn (1938). Câu chuyện kể về người dân nơi phố huyện nghèo với cuộc sống tối tăm khó khăn buôn bán trên ga xép. Trong đó, nổi bật là hai chị em An và Liên. Hai đứa trẻ phải từ giã cuộc sống Hà Nội chuyển đến một ga xép nghèo.
Mẹ làm nghèo hàng xáo còn hai chị em thì buôn bán tạp hóa nhỏ trong gian hàng thuê của người khác. Như mọi ngày, hai đứa trẻ vẫn lặp đi lặp lại vòng tròn đơn điệu của cuộc sống buôn bán lặt vặt. Niềm an ủi duy nhất của chúng là được nhìn thấy chuyến tàu đêm. Kết thúc hình ảnh cũng là đoàn tàu cuối cùng với bao hy vọng về một ngày mai tươi sáng.
Qua tình huống truyện, tác phẩm thể hiện niềm xót thương của tác giả dành cho những kiếp người nghèo khó tối tăm sống lam lũ quẩn quanh trong phố huyện nghèo. Tình huống truyện vì thế cũng xoay quanh diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên khi đợi đoàn tàu đến.
Định nghĩa tình huống truyện là gì? Tác dụng của tình huống truyện
Truyện ngắn theo định nghĩa là một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó. Tình huống truyện chính là sự kiện nổi bật mang tính bước ngoặt có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến diễn biến câu chuyện hay diễn biến tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm.
Tình huống truyện thường được diễn đạt bằng nhiều cách nói khác nhau, đó là tình thế xảy ra chuyện, là lát cắt của đời sống, hay chỉ là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra đậm đặc. Và cũng chính từ đây mà ý đồ tư tưởng của tác giả được bộc lộ sắc nét nhất.
Khi phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy truyện ngắn này của nhà văn Thạch Lam được xây dựng từ một tình huống tình cảm, đậm sắc màu xúc cảm. Tình huống truyện ở đây không có cao trào nhưng lại là tình huống giúp nhân vật bộc lộ được những cảm xúc và tính cách của mình. Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ cũng chính là sự trở đi trở lại của không gian và thời gian – đây là một nền tảng để khơi dậy những rung động chân thành của những đứa trẻ cũng như người đọc.
Xác định tình huống truyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy thiên truyện của tác phẩm có cốt truyện rất mờ nhạt, thay vào đó là dòng nội tâm và thế giới tâm hồn của các nhân vật. Chính vì thế mà hành động nhân vật cũng như sự kiện trong tác phẩm không nhiều. Cũng bởi thế mà các chi tiết và sự kiện được Thạch Lam xây dựng trong tác phẩm là hết sức chọn lọc và giàu ý nghĩa.
Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ chính là sự kiện được tái hiện đậm nét, chiếm dung lượng nhiều nhất trong tác phẩm. Đó là tâm trạng của nhân vật Liên trong từng thời điểm. Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ thể hiện nội tâm và tình cảm của nhân vật. Đây được xem là tình huống chủ chốt của tác phẩm bởi vì đó là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống.
Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Tìm hiểu và phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam cần theo diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên, từ thời điểm phố huyện lúc chiều tàn, lúc phố huyện về đêm cũng như khi chờ đợi đoàn tàu đêm đi qua.
Tâm trạng của Liên khi phố huyện lúc chiều tàn
Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn từ chiều đến đêm khuya. Đó là thời gian kết thúc một ngày và mở ra đêm tối. Đây là một khoảng thời gian nghệ thuật vì đó là lúc con người gạt bỏ hết mọi bộn bề của cuộc sống, nhịp sống cũng bắt đầu chậm lại để con người có thời gian suy ngẫm về những gì đã xảy ra, về cuộc sống tương lai.
Nhưng đó cũng là thời gian mà bóng tối bủa vây như nuốt chửng con người, nuốt chửng hết mọi hy vọng khát khao của con người vào màn đêm mịt mù. Chiều tàn cũng như kiếp người đang tàn tạ dần. Đêm đen cũng như bóng tối của đời người. Chính vì lẽ đó mà cảnh chiều tàn đã gợi ra trong Liên biết bao suy nghĩ.
Không gian êm ái tĩnh lặng của một buổi chiều đang kéo đến. Cảnh ngày tàn trước hết được gợi ra qua âm thanh của tiếng trống thu không. Đó là âm thanh báo hiệu thời gian. Tiếng trống vang lên từng tiếng một giữa không gian càng khiến cho không gian ấy trong cảm nhận của Liên trở nên tĩnh lặng, yên ắng đến bất ngờ. Âm thanh ấy cũng là cái hồn của buổi chiều quê khiến lòng người man mác bâng khuâng. Câu văn “Chiều chiều rồi, một chiều êm ả như ru” đậm chất trữ tình cất lên như một tiếng thở dài của đất trời.
Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ còn thể hiện trong cái nhìn đầy tính thi vị của Thạch Lam với một vẻ đẹp đầy tinh tế, bất ngờ. Đầu tiên là hoàng hôn với hình ảnh mặt trời đỏ rực như lửa cháy, những đám mây hồng được so sánh với “hòn than sắp tàn”.
Dường như buổi chiều được nhìn bằng đôi mắt đầy nuối tiếc. Những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn như rực rỡ hơn lung linh hơn để rồi sau đó tất cả chìm dần trong bóng tối. Tiếng ếch nhái hòa cùng tiếng muỗi vo ve tạo thành một bản giao hưởng của đồng quê. Âm thanh ấy vang lên như làm thấm sâu thêm nỗi buồn của cảnh vật vào lòng người trong giây phút này. Nỗi buồn từ cảnh vật thấm vào tâm hồn Liên một niềm u uất trầm lắng.
Phiên chợ vãn “trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Chợ tàn người về hết chỉ còn cơ man bao nhiêu rác với rác mà thôi, gợi biểu hiện của một phố huyện nghèo. Liên nhìn “những đứa bé con nhà nghèo đang nhặt nhạnh thanh nứa, tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được”. Liên động lòng thương nhưng không biết làm gì để giúp chúng.
Khi tìm hiểu về tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy tình thương đó xuất phát từ sự đồng cảm. Liên cũng như nhiều đứa trẻ khác, nhà nghèo, sớm vất vả lo toan, không được hưởng cuộc sống vui vẻ, vô tư. Liên và chúng đều có quá ít niềm vui trong cuộc sống. Liên cảm thương cho mình, cho mẹ con Tí “bán từ chập tối đến đêm” mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Liên nhìn sững sờ bà cụ Thi với “dáng đi lảo đảo chìm dần vào bóng tối”. Cuộc sống của những con người phố huyện càng khiến Liên thêm ngao ngán cho kiếp người lận đận, bế tắc.
Nỗi buồn man mác, tâm trạng nặng nề của Liên khi ngày tàn là biểu hiện của một tâm hồn nhân hậu, nhạy cảm, dễ xúc động trước những biểu hiện tàn tạ của thiên nhiên hay của những cảnh đời mòn mỏi quanh mình.
Phố huyện lúc về đêm trong tâm trạng của Liên
Đêm tối đã đến. “Trời đã bắt đầu đêm một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”.”Đêm của phố huyện được miêu tả với bóng tối tràn ngập “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Ánh sáng bắt đầu mờ dần nhường chỗ cho bóng tối đang kéo đến che lấp cả bầu trời. Cả không gian “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn”.
Từ bóng tối len lỏi vào các con đường và ngày càng lấn át “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mông và im lặng”. Bóng tối không chỉ phủ lên cảnh vật, bóng tối còn ngập đầy dần trong mắt Liên, thấm vào tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của Liên một nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn…
Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy dường như nỗi buồn đó không có lý do cụ thể rõ rệt nào mà chủ yếu là sự tác động của không gian. Hay nỗi buồn ấy vốn là nỗi sầu vạn cổ của kiếp người.. Bóng tối bao trùm khắp nơi. Là một đứa trẻ, Liên cũng không thích bóng tối. Vì thế, Liên tập trung mọi sự chú ý vào những điểm sáng ở các ngọn đèn, những vì sao, lũ đom đóm và cuối cùng là ở vầng sáng quanh ngọn đèn chị Tí, bếp lửa bác Siêu…
Cảm nhận tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, người đọc sẽ thấy cả phố huyện thu lại quanh quầng sáng nhỏ nhoi với chị Tí, bác Siêu, vợ chồng bác Xẩm, vài ba người khách… Và xung quanh họ là bóng tối mênh mông. Ít ai biết được trong bóng tối đang bao phủ ấy có biết bao con người vẫn đang ngày đêm vất vả mưu sinh và chờ đợi cũng như hy vọng một điều gì đó nhỏ nhoi về tương lai. Trên cái ga nhỏ ấy còn là cuộc đời của cụ Thi. Bà cụ Thi điên ấy hiện lên trong tác phẩm là một bà già hơi điên và nghiện rượu. Bà cụ Thi là một khách hàng quen thuộc của gian hàng Liên.
Bà cụ hiện lên để lại ấn tượng cho người đọc về một giọng cười khanh khách vang lên trong bóng tối. Những tiếng cười vô hồn vang lên như những thanh âm lạc điệu trong bản nhạc bóng tối khiến bóng tối càng thêm tĩnh mịch và u ám. Những bước chân của bà lạc dần vào bóng tối chỉ còn tiếng cười vẫn còn vang vọng gợi lên một số phận bi tham, mù mịt không tìm được lối thoát.
Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy những số phận bi thảm cứ dần dần hiện lên. Đó là mẹ con chị Tí “ngày mò cua bắt tép”, tối dọn hàng nước nhưng “chả kiếm được bao nhiêu” và thật ra mẹ con chị cũng không tha thiết với việc buôn bán. Việc dọn hàng quán dường như chỉ còn là thói quen, là một chút hoạt động cuối ngày.
Còn bác Siêu gánh phở của bác như một món quà xa xỉ – món quà mà biết bao người sống nơi ga xép nghèo khát khao được tận hưởng một tô phở nóng hổi thơm phức từng gánh hàng bác. Chính gánh hàng này khiến cho Liên nhớ quá khứ. Còn gia đình bác Xẩm với đàn con nheo nhóc càng cơ cực hơn “góp tiếng bằng mấy tiếng đàn bầu bật lên trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường”.
Đêm tối dần và cuộc sống con người cũng tăm tối dần. Từng ấy người với những cảnh sinh hoạt được lặp lại hằng đêm, thật đơn điệu nhạt nhẽo nhưng lại được Liên thích thú quan sát. Điều đó chứng tỏ cuộc sống tinh thần của Liên thật nghèo nàn, ít niềm vui, lúc nghỉ ngơi không có những trò vui, thú vui, chỉ biết lấy việc ngắm nhìn cảnh sinh hoạt đơn điệu để làm niềm vui.
Mùi phở và ánh lửa nhỏ của gánh phở bác Siêu gợi Liên nhớ về quá khứ xa xăm, về những thứ quà ngon lạ, những buổi đi chơi bờ hồ, những cốc nước xanh, đỏ,…Kí ức như khơi dậy ở Liên một niềm mong đợi mơ hồ. Thế nhưng càng mong đợi càng buồn vì thực tại trước mắt là cảnh tiêu điều xơ xác “cả phố huyện thu nhỏ lại nơi hàng nước chị Tí”. Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy trong tâm trí Liên, Hà Nội là một vùng sáng rực rỡ nhưng xa xăm không thể nào quay về được nữa. Đó cũng là một trong những lí do khiến cho Liên cố gắng thức chờ đoàn tàu.
Thời điểm đoàn tàu đêm đi qua trong trạng của Liên
Đêm nào cũng vậy, chị em Liên và An cũng cố gắng thức để chờ đợi đoàn tàu từ Hà Nội đi qua nơi ga xép nhỏ của phố huyện này. Tuy với mẹ của Liên, sự xuất hiện của đoàn tàu chỉ là một cơ may biết đâu có thể bán thêm được vài món đồ lặt vặt nên mẹ dặn chị em Liên phải cố thức để đợi những người khách cuối cùng của đêm khuya.
Nhưng trong thực tế, khi phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, người đọc sẽ thấy cửa hàng tạp hoá nhỏ của Liên và An trong ngày họp chợ cũng chẳng bán được là bao, nên về đêm tối lại càng không có hi vọng. Với chị em Liên đó không phải là lý do chính để thức đợi đoàn tàu. Liên cũng không trông mong vào việc sẽ có ai đến mua hàng. Việc chờ đợi đoàn tàu với chị em Liên hầu như chỉ xuất phát từ nhu cầu của đời sống tinh thần.
Thạch Lam đã miêu tả một cách cụ thể từ những dấu hiệu đầu tiên cho đến khi đoàn tàu đi qua. Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy điều đó thể hiện được tâm trạng chờ đợi, mong mỏi trân trọng của chị em Liên đối với sự xuất hiện của đoàn tàu. Minh chứng rõ nhất chính là đoàn tàu đã đi qua nhưng ánh mắt của hai chị em Liên vẫn dõi theo. Ánh mắt khao khát ấy khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy đau xót.
Cuộc sống đơn điệu, tẻ ngắt đã gieo vào lòng Liên một tâm trạng nặng nề vì cô cảm nhận cảnh nơi này quá mờ nhạt, hiu quạnh. Chính vì vậy, Liên dường như khao khát muốn thấy một cái gì đó sáng sủa, sống động hơn, vui vẻ hơn. Chuyến tàu hằng đêm đi qua đã đáp ứng ước muốn cũng như khao khát đó. Khi chuyến tàu đi qua, Liên đã kéo em đứng dậy để nhìn đoàn tàu đi qua “với toa hạng sang trọng lố nhố những người, với đồng và kền lấp lánh sáng trưng,…”.
Phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta nhận ra đoàn tàu đêm với ánh sáng, sự sang trọng ồn ào tương phản hoàn toàn với phố huyện già nua, xơ xác, tĩnh mịch. Với Liên, nó là một thế giới khác vừa đi qua. Nó gắn liền với Hà Nội, với sự giàu sang hạnh phúc và những ký ức tuổi thơ mà Liên không bao giờ quên. Cuộc sống nơi phố huyện nghèo đơn điệu lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn. Như ngày tháng như thế cứ nối tiếp nhau, đè nặng lên tâm hồn của An và Liên.
Chuyến tàu đã khuấy động những khát vọng chất chứa sâu kín trong lòng Liên, muốn sống cuộc đời sáng sủa, thoát khỏi thực tại tầm thường, nhạt nhẽo đang vây quanh mình, một cuộc sống “giữa bao nhiêu điều xa xôi không biết như ngọn đèn chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Đoàn tàu đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Sự thay đổi của âm thanh rộn rã của sức sống ấy chỉ hiện ra trong thoáng chốc rồi tất cả mọi thứ lại trở về như cũ.
Nhưng nó đã mang đến một chút nguồn sáng dù ngắn ngủi nhưng đã phần nào chiếu sáng tâm hồn và khát khao của con người nơi đây. Khi phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta thấy nhân vật Liên thật đáng thương và cũng thật đáng trọng vì thái độ không buông xuôi cam chịu mà luôn muốn vươn ra ánh sáng, phủ định bóng tối của cuộc sống tầm thường hiện tại.
Đánh giá tác phẩm khi phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ
Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam nhẹ nhàng không có các tình tiết yếu tố đẩy câu chuyện lên cao trào cũng không có những cuộc đối thoại hay hành động mạnh mẽ dứt khoát để nhân vật bộc lộ nội tâm. Tình huống truyện Hai đứa trẻ cứ thế mà nương theo mạch cảm xúc của Liên.
Một bức tranh được dệt nên bằng tâm trạng. Đó là một tâm trạng mơ hồ mong manh của Liên và An trong lúc khắc khoải chờ đợi sự xuất hiện chớp nhoáng của đoàn tàu từ Hà Nội đi qua ga xép nghèo. Cứ thế cứ thế mà người đọc bị dẫn dắt theo mạch tâm trạng của nhân vật Liên để thấu hiểu nhiều hơn để bao dung nhiều hơn cho cuộc đời của những con người dưới đáy xã hội nhưng vẫn không ngừng ước mơ về tương lai tươi sáng – dù chỉ là trong vô thức, cảm nhận của Liên.
Tình huống truyện Hai đứa trẻ tuy đơn giản nhưng đó là một cơ hội để nhân vật bày tỏ nỗi niềm của mình dù là nhỏ bé nhất. Thạch Lam đã đầy khéo léo và tinh tế để xây dựng lên một tình huống tưởng chừng quá đỗi bình thường ấy lại ẩn chứa biết bao suy nghĩ sự băn khoăn của nhà văn về con người và về cuộc đời. Những phát hiện tinh tế về tâm trạng con người đã góp phần dệt nên trong mỗi người đọc một bức tranh ngôn từ rung lên biết bao xúc cảm.
Kết bài: Có thể thấy, tình huống truyện trong Hai đứa trẻ đã góp phần thể hiện những độc đáo và đặc sắc về nội dung cũng như tư tưởng mà Thạch Lam muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Đó chính là tình cảm thương yêu, đồng cảm cũng như sự trân trọng đối với những con người nghèo khổ.
Dàn ý phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ
Mở bài về phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ
- Giới thiệu nhà văn Thạch Lam và tác phẩm Hai đứa trẻ.
- Đề cập đến phong cách sáng tác của Thạch Lam: lãng mạn trữ tình nhưng cũng tràn đầy chất hiện thực.
Thân bài về phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ
- Định nghĩa tình huống truyện là gì?.
- Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ thời điểm phố huyện lúc chiều tà.
- Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ khi phố huyện về đêm.
- Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ khi đoàn tàu đêm đi qua.
Kết bài về phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ
- Nhấn mạnh, khẳng định lại vai trò và ý nghĩa của tình huống truyện trong Hai đứa trẻ.
- Phong cách sáng tác nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam có những nét nổi bật.
- Đề cập tóm tắt nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.
Khi phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, ta nhận ra thông điệp giàu đầy tính nhân văn mà Thạch Lam muốn gửi gắm: Đó là phải thay đổi hoàn cảnh để cứu lấy con người. Hơn hết là hãy cho những đứa trẻ một cuộc sống khác xứng đáng hơn, một cuộc sống mà con người có quyền sống trong hy vọng cùng những ước mơ cao đẹp. Hy vọng thông qua bài viết phân tích tình huống truyện trong Hai đứa trẻ đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!