Phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà huyện Thanh Quan, ta sẽ thấy đây là một kiệt tác về cảnh đèo ngang trong một buổi chiều tà và nỗi niềm tâm sự của người nữ sĩ trên bước đường tha hương khi đứng trước đình đèo bao la. Cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu, cảm nhận và phân tích bài thơ Qua đèo ngang trong nội dung bài viết dưới đây.

Trong thế kỷ XVIII, XIX trên thi đàn văn học Việt Nam xuất hiện những người nữ sĩ tài ba, điển hình như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan… Trong vườn hoa nghệ thuật ấy, mỗi nữ sĩ lại là một đóa hoa mang hương sắc riêng “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” đã làm đẹp cho đất trời non nước. Bà huyện Thanh Quan như một ngôi sao văn học với nhiều tác phẩm để lại dư âm trong tâm hồn bạn đọc, nổi bật hơn là là ý thơ “Qua đèo ngang”. Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm.

Đôi nét về Bà huyện Thanh Quan và tác phẩm Qua đèo ngang

Bà huyện Thanh Quan vốn xuất thân trong gia đình quý phái cuối thời Lê – Trịnh ở đất kinh kỳ Thăng Long. Chồng bà làm quan huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình) nên người đời ái mộ gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Vốn là nữ sĩ có nhan sắc và đức hạnh, bà còn là người nổi tiếng có học vấn tài hoa. Bà huyện Thanh Quan từng được vua Tự Đức mời vào cung làm nữ quan “cung trung giáo tập”.

Nữ sĩ đã để lại cho nền văn học nước nhà gần 10 bài thơ nôm kiệt tác, trong đó Qua đèo ngang như một bút ký – thơ thấm đượm chất trữ tình. Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang, chúng ta sẽ thấy được giá trị của tác phẩm cũng như hiểu vì sao qua bao thế kỷ mà bài thơ vẫn gắn bó với tâm hồn hàng triệu con người.

Đèo Ngang thuộc giải Hoành Sơn, nằm giữa địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là một con đèo vào loại đẹp của đất nước ta. Có lẽ người nữ sĩ đã tạo nên kiệt tác này khi trên đường thiên lý, vượt đèo Ngang vào kinh đô Phú Xuân.

Với những tâm trạng của người lữ khách, cùng với cảm hứng của tao nhân dào dạt, đối cảnh sinh tình, bà huyện Thanh Quan đã viết nên những vần thơ tuyệt tác. Bài thơ Qua đèo ngang được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, luật trắc vần bằng. Đây là tác phẩm tả cảnh đèo trong một chiều ta cũng như cho thấy nỗi niềm tâm sự sâu kín của người nữ sĩ trên con đường tha hương…

Phân tích bài thơ Qua đèo ngang qua hai câu đề

Hai câu thơ đầu cho thấy vị trí cũng như thời khắc nữ sĩ đến với con đèo này. Hai từ “bước tới” gợi đến một sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hay tiếp cận con đèo. Đó cũng là thời khắc “bóng xế tà” khi ngày đã sắp tàn và màn đêm đang dần buông xuống. Đứng trước con đèo với rừng núi hoang vu xa lạ, những xúc cảm của lòng người đã trào dâng. Tiếng “tà” với âm bằng xuất hiện trong văn cảnh tạo nên giai điệu buồn thương man mác, trở thành “vần” của ý thơ:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Câu thơ thứ hai đã cho thấy cận cảnh của con đèo, có hoa lá, đá, cỏ cây… Hai về của câu thơ tiểu đối với sự xuất hiện tinh tế của điệp từ “chèn”, vừa sử dụng vần lưng “đá – lá”, lại vừa sử dụng vần chân “tà – hoa” đã làm cho nhạc điệu thơ du dương và réo rắt. Cảnh đèo hiện lên thật hoang vu và có chút cằn cỗi.

Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy nơi thâm sơn cùng cốc ấy nổi lên là những khóm hoa rừng (hoa mua, hoa sim). Không gian buổi chiều tà với sự hiện lên của sắc tím màu hoa là một nét chấm phá đầy biểu cảm với “hoa sim tím chiều hoang biền biệt” (Hữu Loan). Câu thơ thứ hai như một ý thơ tuyệt vời có nhạc và họa đan cài tinh tế.

phân tích bài thơ qua đèo ngang và hình ảnh minh họa
Cảm nhận và phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà huyện Thanh Quan

Phân tích hai câu thực trong bài thơ Qua đèo ngang

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà huyện Thanh Quan, ta thấy hai câu thực trong tác phẩm nói về thế giới con người nơi đèo Ngang vào lúc chiều tà. Cảnh vật được miêu tả với không gian vô hạn từ xa và từ cao nhìn xuống. Cũng có người nhưng thưa thớt “tiều vài chú”. Cũng có chợ nhưng lại vắng vẻ cô liêu “chợ mấy nhà”. Cặp từ láy tượng hình (láy vần) là lom khom, lác đác kết hợp với các số từ như “vài chú” “mấy nhà” đã tạo lên giá trị đặc biệt. Sự kết hợp tinh tế này đã gợi lên cuộc sống đời thường và dân dã nơi đèo Ngang trong thế kỷ 19 còn hoang vu và heo hút.

Ngoại cảnh đã hòa hợp với râm cảnh người nữ sĩ trong buổi chiều tà nơi đèo hút hút gió. Nữ sĩ đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng và ước lệ của thi pháp cổ (ngư, tiều, canh, mục) kết hợp với cảm hứng đầy thi cảm và sáng tạo.

Phân tích bài thơ Qua đèo ngang qua hai câu luận

“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

Cặp câu luận 5, 6 ý thơ đã được mở rộng từ trực giác nhìn thấy (với hình ảnh người, sông, chợ đã chuyển sang nói về những âm thanh nghe thấy. Nghệ thuật đối và đảo ngữ được sử dụng ở phần thực đã tiếp tục được phát huy tác dụng một cách triệt để ở phần luận. Đó là tiếng chim cuốc cuốc, chim gia gia trong bóng chiều tà. Đó là “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” đã được đặt trong thế đăng đối và hòa hợp.

Đó là một nét nhạc buồn nhưng lại rất gợi cảm. Có người cho rằng vần thơ của nữ sĩ đã nhuốm màu sắc hoài cổ, tạo nên nhiều liên tưởng man mác và bâng khuâng. Ý thơ đã thể hiện người nữ sĩ lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm tình. Đây cũng là một nét đặc sắc và nổi bật trong phong cách sáng tác của bà huyện Thanh Quan. Thơ tả cảnh ngụ tình nên nhạc, nên họa đã diễn tả cảnh đèo Ngang lúc hoàng hôn với nỗi niềm thi sĩ làm ta cảm thương, vương vấn.

Phân tích bài thơ Qua đèo ngang qua hai câu kết

“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta”

Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy hai câu thơ kết cuối bài như dồn lại biết bao nhớ thương sâu lắng và dạt dào của người nữ sĩ trong khung cảnh chiều tà. Đứng một mình nơi đèo cao lộng gió trong buổi hoàng hôn, nữ sĩ thấy mình như sống trong tâm trạng lẻ bóng, cô đơn, giữa một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng bao la của “trời, non, nước”.

Hai chữ “đứng lại” diễn tả một tư thế, một tâm trạng xúc động và bồi hồi. “Ta với ta” là ba chữ đắt giá kết hợp với điệp ngữ láy âm, đặt trong mối tương phản với “trời, non, nước” đã cho thấy cái mênh mang bao la với sự lẻ loi, đơn côi và nhỏ bé của lòng người. Nó gợi lên một sự trống vắng không thể nào kể xiết. Cái “mảnh tình riêng” như tan vụn ra, biết ngỏ cùng ai?. Quê hương, những người thân thương đều ở phía mờ xa, khó chạm đến. Người nữ sĩ như đang sống trong nỗi buồn thương vô hạn.

Có thể thấy, tính truyền cảm là một trong những đặc trưng của ngôn ngữ đã tạo nên tính thẩm mĩ, vẻ đẹp văn chương của tác phẩm “Qua đèo ngang”

Qua đèo ngang là bài thơ nôm kiệt tác được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Giọng thơ du dương diễn tả khúc nhạc tâm tình, man mác đầy bâng khuâng của tác giả. Cảnh và tình, thiên nhiên và con người, đã được nữ sĩ miêu tả bằng ngôn ngữ thơ đầy trang nhã và điêu luyện. Khi phân tích bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy đây là một trong những bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc và hấp dẫn nhất.

Qua việc cảm nhận và phân tích bài thơ Qua đèo ngang, người đọc đã thấy rõ tài năng cũng như nỗi lòng của bà huyện Thanh Quan trên đường vào kinh nhậm chức Cung Trung Giáo tập. Đó là nỗi buồn man mác, nỗi nhớ nhà và nhớ quê da diết khi đứng trước khung cảnh rộng lớn, hoang vu của Đèo Ngang.

Hy vọng qua bài viết trên đây về chủ đề cảm nhận và phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà huyện Thanh Quan đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết và hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!

Xem thêm:

Rate this post
Please follow and like us:
Tagged:

Comments

  1. Pingback: Văn biểu cảm là gì? Đặc điểm, Ví dụ, Các bước, Cách làm văn biểu cảm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *