Lời đề: Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc sẽ cảm nhận được tình phụ tử cao cả và thiêng liêng, cũng như những vấn đề về hiện thực chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc gia đình của biết bao người. Cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu, cảm nhận và phân tích nhân vật ông Sáu qua bài viết dưới đây.

Mỗi trang văn ý nghĩa sẽ giúp ta nuôi dưỡng tinh thần, thanh lọc tâm hồn và mở rộng xúc cảm. “Qua một nỗi lòng,một cảnh ngộ,nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc một vấn đề về nhân sinh”. Có lẽ bởi vậy mà những tác phẩm văn chương luôn mang giá trị vĩnh hằng cùng thời gian và trường tồn trong lòng độc giả. Và truyện ngắn Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm như vậy. Khi phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy nhà văn muốn gửi gắm một thông điệp cao cả và thiêng liêng về tình phụ tử – thứ tình cảm sâu sắc mà không gì có thể làm băng hoại được. Cùng cảm nhận và phân tích nhân vật ông Sáu qua bài viết.

Giới thiệu tác giả và tác phẩm

Trước khi đi vào cảm nhận và phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà, chúng ta cần nắm được những nét chính về tác giả và tác phẩm.

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Quang Sáng

  • Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, còn có bút danh khác là Nguyễn Sáng. Quê ông ở chợ Mới, tỉnh An Giang.
  • Ông sớm tham gia bộ đội, sau năm 1954 tập kết ra Bắc và giai đoạn này mới bắt đầu những trang viết của mình.
  • Những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Nguyễn Quang Sáng sống và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Chính vì thế những tác phẩm của ông mang đậm sắc màu của Nam Bộ.
  • Những trang văn của tác giả mang đậm sắc màu bi tráng, những tình huống kịch tính và hấp dẫn, đồng thời cũng mang chất thơ rất riêng. Điều này đã tạo nên vẻ đẹp và cốt cách cho những trang viết của Nguyễn Quang Sáng.
  • Nhà văn sáng tác trên nhiều thể loại, đặc biệt hơn cả chính là truyện ngắn với một số tập truyện đặc sắc và nổi bật như: “Người quê hương”, “Con chim vàng”, “Chiếc lược ngà”, “Người con đi xa”, “Bông cẩm thạch”. Tiểu thuyết: “Mùa gió chướng”, “Đất lửa”, “Dòng sông thơ ấu”. Bên cạnh đó,  “Một thời để nhớ, một thời để yêu” là một trong số những kịch bản phim ghi dấu ấn hơn cả.

Tìm hiểu truyện ngắn Chiếc lược ngà

  • Chiếc lược ngà là truyện ngắn được nhà văn sáng tác vào tháng 9 năm 1966 ở chiến trường Nam Bộ trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt.
  • Nội dung tác phẩm: Truyện ngắn Chiếc lược ngà kể về một cán bộ nằm vùng ở miền Đông – ông Sáu luôn tha thiết nhớ thương vợ con. Nỗi nhớ ấy khiến ông dùng ngà voi làm thành chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng của mình.
  • Ông Sáu là một trong những nhân vật chính của tác phẩm. Khi phân tích nhân vật ông Sáu, ta sẽ thấy những phẩm chất và cốt cách cao đẹp của người chiến sĩ, người cha trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Phân tích nhân vật ông Sáu qua hoàn cảnh xuất thân

Khi phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy ông là một người nông dân Nam Bộ, đều tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chỉ rõ ông Sáu ra đi đánh giặc vào năm 1946 và mãi đến năm 1954, ông mới được về thăm nhà một vài ngày.

Ngày ông Sáu ra chiến trường, đứa con gái bé bỏng mới chỉ một tuổi. Vì vậy, khi cô con gái lên 9 tuổi thì ông mới được gặp lại con. Sau năm 1954, ông Sáu nhận nhiệm vụ ở miền Nam hoạt động bí mật. Có thể thấy khi phân tích nhân vật ông Sáu, hoàn cảnh của ông chính là hoàn cảnh của biết bao người chiến sĩ trong chiến tranh. Sự chia lìa do chiến tranh đã khiến bao gia đình phải sống trong xa cách.

Phân tích nhân vật ông Sáu là người có tình yêu quê hương đất nước

Ông Sáu là một người dân Nam Bộ có tình yêu hương đất nước sâu nặng. Minh chứng rõ nhất chính là việc ông Sáu đã lên đường chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, để rồi hy sinh anh dũng. Người nông dân chân chất ấy ra đi từ năm 1946 mà mãi đến khi hòa bình lập lại, ông mới về thăm quê một vài ngày vào năm 1954.

Quê hương đất nước là tiếng gọi cao cả thiêng liêng nhất trong trái tim. Khi Tổ quốc cần, ông không tiếc thân mình. Lên đường chiến đấu, đồng nghĩa với việc phải rời xa gia đình, xa đứa con bé bỏng khi đó mới lên một tuổi. Ngày ông trở về thăm nhà thì con đã 9 tuổi. Có thể thấy, khi phân tích nhân vật ông Sáu, điều đầu tiên ta cảm nhận được chính là tình yêu quê hương sâu sắc và mãnh liệt.

Những năm dài chiến đấu, vào sinh ra tử, mưa bom bão đạn đã trải qua khiến người chiến sĩ ấy khao khát trở về thăm gia đình biết nhường nào. Ông Sáu mong ước trở về, để được đoàn tụ với vợ con, để được nghe đứa con gái đáng yêu gọi một tiếng “ba”. Ấy vậy mà tiếng gọi ấy cũng không trọn vẹn. Đó chính là bi kịch của chiến tranh, những khoảng trống không thể bù đắp được…

Chỉ đến lần chia tay thứ hai trước khi bước vào cuộc chiến mới, ông Sáu mới cảm nhận được những hạnh phúc khi cô con gái cất tiếng gọi “ba…ba!”. Phân tích nhân vật ông Sáu, ta nhận ra khoảnh khắc ấy xúc động biết bao nhiêu khi ông Sáu rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con. Vì tình yêu đất nước, vì Tổ quốc cần, ông Sáu lại lên đường. Chính bởi chiến tranh khiến gia đình xa cách, và cũng chính chiến tranh khiến ông Sáu mang vết sẹo dài trên má phải. Điều này đã khiến cô con gái không nhận ra người cha của mình.

Phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy khi ra đi ông mang theo nỗi nhớ thương vợ con khôn xiết, cùng với lời hứa mang về cho con gái chiếc lược. Hạnh phúc gia đình bị chia cắt, tình cha con phải chia xa…. Biết bao đánh đổi, biết bao mất mát đau thương do chiến tranh mang lại cho ông Sáu, hay cũng là với biết bao người lính, cho bao bà mẹ và em thơ. Những thế hệ trước đã hy sinh quá nhiều để có được độc lập, hạnh phúc và thống nhất như bây giờ.

Ông Sáu đã không tập kết ra Bắc mà tiếp tục nhận nhiệm vụ mới ở miền Nam từ sau năm 1954. Ông nhận hoạt động bí mật với những ngày tháng ở rừng. Cuộc sống chiến đấu gian khổ, bị giặc khủng bố liên miên, mưa bom bão đạn, thiếu gạo phải ăn bắp, ăn mì. Cuộc chiến đấu thầm lặng với cái chết bủa vây đã cho thấy tình yêu quê hương đất nước sâu đậm của lão nông miền Nam. Phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy ở lão nông này là tinh thần chiến đấu dũng cảm, luôn sát cánh cùng đồng đội chiến đấu để rồi hi sinh trong một trận càn lớn của quân Mĩ – Ngụy.

phân tích nhân vật ông sáu trong truyện ngắn chiếc lược ngà
Phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà

Ông Sáu là người cha có tình yêu thương con tha thiết, tình phụ tử sâu nặng

Phân tích nhân vật ông Sáu, ngay từ những trang văn đầu câu chuyện, người đọc đã có thể cảm nhận được tình cha con sâu sắc và tha thiết của ông Sáu với cô con gái tên Thu. Một câu chuyện gợi lên trong lòng bạn đọc biết bao nghĩ suy về tình phụ nữ trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Một niềm thương xót xa và day dứt, một câu chuyện phụ tử đẹp nhưng buồn, có sức lay động sâu xa đến những nơi sâu kín nhất của trái tim.

Đó là những sự hi sinh lặng lẽ của những người chiến sĩ. Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ không chỉ xông pha nơi mưa bom bão đạn, nơi cận kề hiểm nguy là cái chết, mà họ còn phải hy sinh những tình cảm gia đình gắn bó và tha thiết nhất.

Khi phân tích nhân vật ông Sáu, người lính đã qua khói lửa chiến tranh ấy mang một khuôn mặt lạnh, một ý chí thép kiên cường nhưng lại mang một trái tim ấm nóng của một người cha luôn thương nhớ đứa con gái bé bỏng của mình. Điều này thể hiện rất rõ qua chi tiết, chỉ mới nghĩ đến việc gặp bé Thu thôi, mà ông đã thấy cứ “nôn nao mãi”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thật tinh tế khi miêu tả những hành động của ông Sáu “không thể chờ xuồng cập bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”. Những hành động ấy còn được thể hiện như “bước vội vàng với những bước chân dài, rồi dừng lại, kêu to : “Thu! Con”. Đó là những cảm xúc của một người cha đã sống trong nỗi thương nhớ vơi đầy về cô con gái nhỏ. Phân tích nhân vật ông Sáu, đây chính là nỗi lòng khát khao và mon mỏi của một cha yêu con vô bờ bến. Tình cảm sâu đậm bị dồn nén bao năm để rồi vỡ òa trong tiếng gọi con đầu tiên ấy.

Biểu hiện của sự xúc động tột độ còn thể hiện ở hình ảnh về “vết thẹo dài trên má phải đỏ ửng lên, giần giật…”. Sau bao ngày mòn mỏi nhớ mong để rồi tiếng xưng ba nghẹn ngào khiến giọng ông nghẹn lại “ba đây con”. Càng mong mỏi bao nhiêu thì ông Sáu lại càng đau đớn bội phần khi đứa con gái bé bỏng không đáp lại sự vồ vập mong chờ của ông “mặt nó tái đi, rồi vụt chạy”. Bao nhiêu sự hụt hẫng bóp nghẹn trái tim ông như cả bầu trời sụp đổ.

Phân tích nhân vật ông Sáu, người đọc nhận thấy rằng, tình cha con sâu đậm ấy khiến ông không nản lòng trước sự hờ hững của đứa con. Trong ba ngày về thăm gia đình ấy, ông đã dành hết tình cảm cho bé Thu với sự nhẹ nhàng, ân cần và chăm chút. Cô con gái cự tuyệt, bướng bỉnh bao nhiêu thì ông Sáu lại nhẫn nại và bền bỉ bấy nhiêu. Đó chính là sự kiên trì, là sự bao dung xuất phát từ tình phụ tử thiêng liêng và sâu đậm. Thế nhưng, khi tình cảm ấy đã quá lớn, bị dồn ép quá lâu, lại gặp phải sự cự tuyệt kiên quyết của con đã khiến ông Sáu “vung tay đánh mạnh vào mông con gái” rồi hét lên “sao mày cứng đầu quá vậy”. Sự tức giận và hành động ấy được xuất phát từ sự đau đớn bất lực. Chỉ có ba ngày thôi, thời gian bên con quá ngắn mà bé Thu chưa chịu thừa nhận người cha ấy. Hành động đánh con này cũng khiến ông Sáu bị dày vò tâm trí và khổ tâm suốt những năm tháng sau này khi phải xa con gái.

Chính chiến tranh đã khiến biết bao tình cảm thay đổi, cha con đã quá lâu không được đoàn tụ, biết bao gia đình xa cách để rồi. Hình ảnh về bé Thu như một ví dụ cụ thể và điển hình về những tình cảm xa cách trong chiến tranh bom đạn. Phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy diễn biến tâm lý của ông khá phức tạp, tất cả đều là tình yêu thương con mãnh liệt trong trái tim ấm nóng của một người cha.

Tình yêu thương con vô bờ bến ấy còn được minh chứng vào thời khắc cuối cùng khi ông Sáu ở nhà. Được thấy con, được nghe tiếng con gọi ba, trái tim người cha như vỡ òa trong hạnh phúc. Ông Sáu đã cố kìm nén cảm xúc trong giây phút chia tay ấy “cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng cũng lại sợ nó giãy lên, lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó…” Với ông Sáu bây giờ, chỉ cần nhìn thấy con thôi đã là hạnh phúc quá lớn. Chính ánh nhìn con đã cho thấy bao nhiêu tình cảm dồn nén và ấp ủ “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”.

Phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy rằng tình phụ tử lớn lao ấy còn được thể hiện sâu sắc khi ông ở căn cứ. Lời hứa làm chiếc lược ngà cho con không lúc nào vơi trong ông. Để khi có được một mảnh ngà voi, ông hớt hải chạy về. Mặt ông Sáu hớn hở như đứa trẻ được quà. Với tình yêu và nỗi nhớ đứa con gái, ông Sáu từng ngày từng ngày ngồi cưa mảnh ngà voi thành một chiếc lược dài độ hơn tấc. Trên sống lưng của chiếc lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà ông Sáu đã gò lưng và tẩn mẩn khắc từng nét “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Trong những ngày ở căn cứ, mỗi khi nhớ con, ông Sáu lại đưa chiếc lược lên ngắm nghía rồi lại mài lên tóc cho cây lược thêm bóng. Chiếc lược này đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá. Nó là biểu tượng của tình cha con bất tử, đồng thời cũng làm xoa dịu đi những nỗi ân hận day dứt khi lỡ đánh con, và cũng chứa đựng biết bao tình cảm nhớ thương và yêu mến.

Thế nhưng, khi phân tích nhân vật ông Sáu, ta thấy nỗi đau lớn lao mà chiến tranh đã đem lại. Đó là sự hy sinh của người cha ấy. Ông Sáu đã ra đi vì bom đạn chiến tranh trong một trận càn của giặc khi chưa kịp trao tay bé Thu chiếc lược ngà. Giờ phút cuối cùng ấy, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, ông Sáu đưa tay vào túi lấy cây lược và trao lại cho tôi. Đến đây, người đọc không khỏi nghẹn ngào rơi lệ…

Phân tích nhân vật ông Sáu, người đọc nhận thấy đây là một người nông dân Nam Bộ hiền lành và chất phác. Vì tình yêu đất nước mà lên đường chiến đấu, sẵn sàng xa gia đình, xa đứa con gái yêu dấu. Ông Sáu còn là một người cha có tình yêu thương con sâu đậm, đó là tình phụ tử thiêng liêng và bất tử. Phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ cho thấy tình cha con sâu nặng mà qua đó cũng nhấn mạnh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, những hy sinh, những éo le, mất mát và đau thương mà không gì bù đắp được. Từ đó, câu chuyện cũng gợi lên những thắm thía xúc động trong lòng bạn đọc biết bao nghĩ suy. Nhà văn đã rất thành công trong việc xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật, cùng với sự hấp dẫn của cốt truyện khiến tác phẩm để lại nhiều dư âm.

Hy vọng bài viết về chủ đề phân tích nhân vật ông Sáu đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích phục vụ học tập. Chúc bạn luôn học tốt!

Xem thêm >>> Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà

1/5 - (1 bình chọn)
Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *